GDP là thuật ngữ được viết tắt từ cụm từ Gross Domestic Product, có thể hiểu là tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia. Xét về bản chất, đây là chỉ số được dùng để đánh giá một cách tổng quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tức mức độ phát triển của một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào đó.
GDP là giá trị của tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ được tạo ra trên vùng lãnh thổ trong một khoảng thời gian nhất định, đó có thể là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hay 1 năm tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, khái niệm này còn bao gồm cả các sản phẩm, dịch vụ mà công ty nước ngoài tạo ra bên trong quốc gia đó.
GDP được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1937 trong một báo cáo trước Quốc hội Mỹ, nhằm đối phó với cuộc Đại suy thoái sau khi nhà kinh tế học người Nga Simon Kuznets nghĩ ra hệ thống đo lường.
Lúc bấy giờ, hệ thống đo lường ưu việt nhất chính là GNP – tổng sản phẩm quốc gia. Đến năm 1944 sau hội nghị Bretton Woods, GDP bắt đầu được áp dụng rộng rãi như một phương pháp đo lường tiêu chuẩn cho nền kinh tế của một quốc gia.
Khi nhắc đến GDP, người ta thường nghĩ ngay đến GDP bình quân đầu người hay thu nhập bình quân đầu người, bởi đây chính là thước đo phản ánh mức thu nhập cũng như mức sống của người dân trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Nó được tính băng cách lấy tổng sản phẩm quốc nội GDP chia cho dân số của quốc gia ấy.
Tuy con số này cũng chỉ ở mức tương đối chứ không thể chính xác tuyệt đối được, nhưng GDP bình quân đầu người được đánh giá là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp cực kỳ quan trọng, bởi nó cho chúng ta biết được kết quả sản xuất, lao động của mỗi con người trong một khoảng thời gian quy định.
Nếu chỉ số GDP bình quân đầu người cao, nó cho thấy mức sống cũng như thu nhập của người dân ở nước đó cao, nhưng cũng có một số quốc gia có chỉ số này cao nhưng chưa chắc đã có mức sống cao.
Có ba cách thức để tính được GDP của một quốc gia, đó là thông qua phương pháp tính tổng chi tiêu, tính tổng thu nhập và tính theo giá trị gia tăng, cụ thể như sau:
Phương pháp chi tiêu
Phương pháp này được thực hiện bằng cách cộng tất cả số tiền mà các hộ gia đình trong một quốc gia đã sử dụng để mua sắm, sử dụng dịch vụ.
Công thức:
GDP = C + G + I + NX
Trong đó:
– C là tổng chi tiêu cho các sản phẩm, dịch vụ của hộ gia đình.
– G là tổng chi tiêu của chính phủ cho giáo dục, y tế, an ninh, giao thông, các dịch vụ và chính sách khác…
– I là tổng chi tiêu của các nhà đầu tư như trang thiết bị, nhà xưởng…
– NX là cán cân thương mại hay “xuất khẩu ròng” của một nền kinh tế. Công thức tính là NX = X (xuất khẩu) – M (nhập khẩu).
Phương pháp thu nhập
Đây là phương pháp được thực hiện bằng cách tính tổng tiền lương, tiền lãi, lợi nhuận và tiền thuê được tạo ra trong một nền kinh tế của quốc gia.
Công thức:
GDP = W + I + Pr + R + Ti + De
Trong đó:
– W là tiền lương
– I là tiền lãi
– Pr là lợi nhuận
– R là tiền thuê
– Ti là thuế gián thu ròng
– De là phần khấu hao tài sản cố định
Phương pháp giá trị gia tăng
Phương pháp này được thực hiện bằng cách tính tổng các giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Công thức:
GDP = giá trị tăng thêm + thuế nhập khẩu
Hoặc GDP = giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu
Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế sẽ bao gồm:
– Thu nhập của người lao động như tiền lương, tiền công, tiền hiện vật, tiền bảo hiểm, tiền công đoàn…
– Thuế sản xuất gồm thuế hàng hóa và các chi phí khác.
– Khấu hao tài sản cố định.
– Giá trị thặng dư.
– Thu nhập khác.
GDP danh nghĩa
Về khái niệm GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội được tính theo giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tính theo giá hiện hành. Nói cách khác, nó đề cập đến sản lượng của một nền kinh tế mà không cần điều chỉnh lạm phát.
Trên thực tế, sau một khoảng thời gian thì giá cả sẽ có xu hướng đi lên và tất nhiên, nó cũng có tác động nhất định đến chỉ số GDP khi nó tăng lên. Tuy nhiên, kết quả tăng lên này lại rất khó để xác định là do mở rộng sản xuất hay do giá cả leo thang, vậy nên các nhà kinh tế học đã đưa ra một sự điều chỉnh cho lạm phát đẻ từ đó, họ có thể tìm ra GDP thực tế của một quốc gia.
Khác với GDP danh nghĩa, GDP thực tế là tổng sản phẩm quốc nội được tính theo sản lượng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng trong năm nghiên cứu, giá cả cũng được tính theo năm đó nên chỉ số này còn có tên gọi khác là GDP theo giá so sánh.
Bằng phương thức này, các nhà kinh tế học có thể dễ dàng so sánh GDP của một quốc gia tại nhiều thời điểm khác nhau, từ đó họ có thể biết được rằng nền kinh tế ấy có thực sự tăng trưởng hay không. Thường thì GDP thực tế sẽ thấp hơn so với GDP danh nghĩa vì tỉ lệ lạm phát luôn là một con số dương, khi đó người ta sẽ gọi là lạm phát tăng và trong trường hợp ngược lại, đó sẽ là lạm phát giảm nếu GDP thực tế cao hơn.
Mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng GDP
Trong một năm, có khá nhiều kịch bản mà một nền kịch bản phải trải qua, có thể kể đến như:
– Kịch bản 1: sản xuất nhiều hơn với cùng giá
Đây là kịch bản mà sản xuất được tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, nhờ đó mà tỉ lệ thất nghiệp giảm, đồng thời tiền lương tăng lên khiến nhu cầu tăng cao và người dân có thể chi tiêu một cách thoải mái hơn. Tất yếu, GDP sẽ cao hơn và cuối cùng kết hợp với lạm phát.
– Kịch bản 2: sản xuất cùng một lượng với giá cao hơn
Đây là kịch bản mà nhu cầu của người tiêu dùng không tăng nhưng giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ lại cao hơn do chi phí tăng lên, khi đó cả GDP lẫn lạm phát đều tăng theo.
– Kịch bản 3: sản xuất nhiều hơn với giá cao hơn
Đây là trường hợp nhu cầu của người tiêu dùng tăng nhưng lại thiếu mất nguồn cung khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp buộc phải thuê thêm nhân công, tăng lương và nhiều phương thức khác. Với kịch bản này, cả GDP lẫn lạm phát đều tăng nhưng với tốc độ không bền vững.
– Kịch bản 4: sản xuất nhiều hơn với giá thấp hơn
Đây là điều chưa từng xảy ra trong các nền kinh tế dân chủ hiện đại, vì điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải chịu một khoản lỗ khổng lồ, và chẳng ai lại đi thuê thêm nhân công để gia tăng sản xuất trong trường hợp này cả.
– Kịch bản 5: sản xuất ít hơn với giá cao hơn nhiều
Đây là trường hợp GDP tăng chậm, dưới mức mong muốn nhưng lạm phát thì vẫn còn tồn tại, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp tăng cao do hoạt động sản xuất thấp.
Bao giờ cũng vậy, các nhà đầu tư luôn muốn tìm kiếm những thị trường tốt nhất để đồng tiền của họ có thể sinh lời nhiều và ổn định, vậy nên họ sẽ nhìn vào tốc độ tăng trưởng của quốc gia đó để đưa ra quyết định có nên đầu tư hay không.
Bên cạnh đó, họ cũng so sánh tốc độ tăng trưởng của GDP quốc gia nhằm xác định đâu là thời cơ đầu tư tuyệt vời nhất. Khi đó, họ sẽ chi ra số tiền lớn để thu mua cổ phần của những công ty ở các nước đang phát triển nhanh.
GDP được xem như một chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế. Khi nó khỏe mạnh, doanh nghiệp sẽ cần nhiều lao động hơn để gia tăng sản xuất, điều này giúp cho tỉ lệ thất nghiệp giảm đồng thời mức lương của người lao động sẽ tăng lên, kéo theo nhu cầu chi tiêu mua sắm tăng theo nên sẽ là cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, GDP bình quân đầu người cũng sẽ cho biết mức thu nhập tương đối cũng như chất lượng cuộc sống của người dân ở một quốc gia.
Trong trường hợp GDP tăng trưởng âm trong hai hoặc nhiều quý liên tiếp, nó được coi là một cuộc suy thoái và các nhà kinh tế cùng hoạch định chính sách phải có các biện pháp phù hợp, như giảm lãi suất, in thêm tiền… để duy trì sự ổn định cho nền kinh tế.
GDP cũng có một số hạn chế nhất định, có thể kể đến như:
– GDP không chỉ ra mức sống của người dân một quốc gia, điển hình là Trung Quốc dù có GDP lớn nhưng mức sống của họ lại không cao, nên đây được xem là một quốc gia có thu nhập trung bình.
– GDP không bao gồm thị trường chợ đen, đây là điều dễ hiểu bởi tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ được mua bán đều không được báo cáo vì bất hợp pháp, chẳng hạn như ma úy, mại dâm, lao động trái phép…
– GDP không bao gồm các hình thức lao động không được báo cáo như chăm sóc trẻ em, giúp việc gia đình, nấu ăn, tạp vụ…
– GDP không bao gồm chi phí xử lý môi trường trong quá trình sản xuất.
– GDP bỏ qua thời gian nghỉ ngơi không được tính đến.
Bảng xếp hạng GDP toàn cầu
Theo bảng xếp hạng của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Mỹ là quốc gia có GDP danh nghĩa cao nhất thế giới năm 2023 khi đạt mức 20,513 triệu USD, kế đến là Trung Quốc với 13,457,267 triệu USD, Nhật Bản ở vị trí thứ 3 với 5,070,626 triệu USD, Đức ở vị trí thứ 4 với 4,029,140 triệu USD, thứ 5 là Anh với 2,808,899 triệu USD.
Vị trí tiếp theo thuộc về Pháp với 2,794,696 triệu USD, thứ 7 là Ấn Độ với 2,689,992 triệu USD, thứ 8 là Italia với 2,086,911 triệu USD, tiếp theo là Brazil với 1,909,386 triệu USD, xếp thứ 10 trong danh sách này là Canada với 1,733,706 triệu USD. Riêng Việt Nam xếp thứ 47 trên thế giới với GDP đạt 241,434 triệu USD.
Cả GDP và GNP đều là những khái niệm thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô, được dùng để đánh giá tốc độ phát triển kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, GNP có nghĩa rộng hơn so với GDP bởi nó là tổng sản lượng quốc gia bao gồm cả nguồn thu từ bên ngoài biên giới, còn GDP chỉ được tính trong phạm vị một vùng lãnh thổ nhất định.
Hiểu một cách đơn giản, GNP đại diện cho tổng sản phẩm quốc gia và là toàn bộ giá trị mà công dân mang quốc tịch nước đó tạo ra, thường là trong 365 ngày và bất kể nơi đâu.
Còn với GDP, đây là tổng sản phẩm quốc nội được tạo ra bởi các công ty trong nước hay nước ngoài tại lãnh thổ của quốc gia đó mà thôi. Vậy nên, GDP sẽ là chỉ số dùng để đánh giá sức mạnh kinh tế của một đất nước.