Tham khảo nguyên tắc chuẩn hoá thuật ngữ khoa học ở các nước
Quá trình chuẩn hoá thuật ngữ là một quá trình độc lập, bao giờ cũng diễn ra song song với quá trình phổ biến một thuật ngữ, bắt đầu từ lúc một thuật ngữ mới được giới thiệu, trước hết là trong giới chuyên môn, cho đến lúc thuật ngữ đó được họ chấp nhận và sử dụng trong các tài liệu, văn bản và ngôn bản chuyên ngành, sau đó là đưa nó ra sử dụng rộng rãi. Nó chỉ thực sự được công nhận khi các nhà khoa học và công chúng chấp nhận sử dụng nó như một phương án tốt nhất trong văn cảnh mang tính chuyên môn. Điều đó cho thấy rằng một thuật ngữ chỉ có thể được lựa chọn bởi người sử dụng chứ không thể lựa chọn người sử dụng, tức là có thể tạo ra thuật ngữ, nhưng không thể áp đặt việc sử dụng nó cho công chúng, và công chúng cũng chính là những người nâng các thuật ngữ lên mức tiêu chuẩn. Việc chuẩn hoá thuật ngữ sẽ càng cấp thiết hơn khi có sự cạnh tranh giữa một số thuật ngữ biểu thị cùng một nội dung. Thuật ngữ không chấp nhận sự đồng nghĩa. Nói một cách ngắn gọn, các lí do và mục đích của việc chuẩn hoá thuật ngữ là: để tiết kiệm ngôn ngữ, để bảo đảm tính chính xác, để bảo đảm sự phù hợp trong hệ thống. Cụ thể là:
1. Mục đích tiết kiệm ngôn ngữ
Nếu thuật ngữ đưa ra mà cồng kềnh,dài dòng, hay phức tạp thì qua sử dụng, nó sẽ được đơn giản hoá và rút gọn lại. Nếu có hai hay ba thuật ngữ cùng chứa một nội dung thì thuật ngữ nào ngắn gọn hơn sẽ được sử dụng nhiều hơn. Ngày nay người ta dùng “T. V” (/ti vi/) nhiều hơn dùng “vô tuyến truyền hình”, “CPU” nhiều hơn “bộ vi xử lý”, “type” nhiều hơn “đánh máy”, “demo” nhiều hơn “giới thiệu/ trình diễn quy trình”, “Internet”chiếm chỗ của “mạng toàn cầu”, “chip” thay cho “vi mạch điện tử”…
2. Mục đích bảo đảm tính chính xác
Nghĩa của thuật ngữ được sử dụng phải càng rõ ràng, chính xác càng tốt. Những thuật ngữ tối nghĩa, mờ nghĩa, nghĩa không rõ ràng sẽ bị đào thải, thay vào đó là các thuật ngữ có nghĩa chính xác cần thiết. Ví dụ: bộ chuyển đổi giống được thay bằng bộ thay đổi phích cắm và giắc cắm, vi mạch cỡ lớn/ vi mạch cực lớn, rõ ràng là các sự bất ổn trong cách diễn đạt ở đây vì đã là “vi”, tức là rất nhỏ, lại còn “lớn” và “cực lớn”, nên được thay bằng vi mạch có mặt độ mạch lớn/ cực lớn; bộ phận có lỗ để cắm được thay bằng giắc cắm; hệ thống thụ động chính được thay bằng hệ thống chủ – tớ/ hệ thống chính – phụ…
3. Mục đích bảo đảm sự phù hợp trong hệ thống
Thuật ngữ được điều chỉnh sao cho nó chỉ có một nghĩa và không có nét nghĩa nào trùng với nghĩa của một thuật ngữ khác trong hay ngoài hệ thống. Ví dụ: thuật ngữ virus trong tin học chỉ có nghĩa là một chương trình phá huỷ phần cứng, phần mềm của máy tính, có thể tự lây lan từ máy tính này sang máy tính khác, còn trong y học thì có nghĩa là vi trùng, vi sinh vật nhỏ nhất, dùng kính hiển vi thường cũng không nhìn thấy, phần lớn có thể gây bệnh.
Để thoả mãn những lí do và đạt được mục đích đã nêu, việc chuẩn hoá thuật ngữ khoa học phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản. Dựa trên thực tế và quy luật sử dụng thuật ngữ khoa học, Juan C. Sager (Mĩ) đã đưa ra những nguyên tắc của việc chuẩn hoá thuật ngữ. Chúng tôi xin được giới thiệu chúng vì mọi ngôn ngữ đều bị chi phối bởi một số các quy luật chung trong sự phát triển của mình.
a. Nguyên tắc thứ nhất – Lựa chọn qua kiểm chứng thực tế
Quá trình chuẩn hoá thuật ngữ luôn luôn diễn ra sau quá trình chuẩn hoá các khái niệm mà nó gọi tên. Việc chuẩn hoá một ngôn ngữ là thực sự cần thiết để đơn giản hoá một dạng biểu thị có được nhờ sự nỗ lực của toàn xã hội. Đây chính là cố gắng để chọn lựa một hình thức biểu hiện thích hợp nhất của ngôn ngữ, là quá trình sáng tạo và kiểm nghiệm chặt chẽ với sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Ví dụ: thuật ngữ ATM mượn từ tiếng Anh/ Mĩ vào tiếng Việt có nghĩa là máy giao dịch tự động (Automatic Teller machine), nhưng đến nay được dùng trong tiếng Việt là máy rút tiền tự động, dưới cả dạng nói lẫn dạng viết, vì mọi người đều thấy rõ công dụng của nó là cho phép ta rút tiền bằng thẻ, mà không cần qua ngân hàng.
b. Nguyên tắc thứ hai – Có sự hợp tác của cộng đồng
c. Nguyên tắc thứ ba – Bảo đảm tính thân thiện với người sử dụng thuật ngữ
“Tính thân thiện” được hiểu là tính dễ dùng, dễ áp dụng của một thuật ngữ. Bởi vì trên thực tế, việc đề xuất một thuật ngữ có giá trị không đáng kể so với việc áp dụng nó trong giao tiếp khoa học và trong cuộc sống. Chính việc sử dụng thuật ngữ của số đông khiến người sử dụng đôi khi chấp nhận dùng thuật ngữ của ngôn ngữ khác nhằm đạt hạt hiệu quả cao trong giao tiếp, trong công việc. Thuật ngữ có vai trò rất lớn trong việc truyền bá một khoa học, nhất là những ngành khoa học công nghệ mang tính thực tiễn như tin học – viễn thông. Nếu thuật ngữ gần gũi với người sử dụng thì có nghĩa là chúng sẽ đóng góp không ít cho việc áp dụng các thành quả của ngành khoa học đó trong cuộc sống. Điều đó cũng có nghĩa là tính dễ dùng của thuật ngữ sẽ giúp cho khoa học ngày càng phát triển.
d. Nguyên tắc thứ tư – Bảo đảm tính tiềm năng của thuật ngữ
e. Nguyên tắc thứ năm – Liên tục điều chỉnh
Thuật ngữ đã được chuẩn hoá vẫn cần được kiểm tra lại khi đối tượng mà nó biểu đạt có những thay đổi rõ ràng. Khi điều kiện sử dụng và các đặc điểm khác của một đối tượng được biểu thị bằng thuật ngữ thay đổi thì phải có biện pháp kiểm tra lại để khẳng định liệu nó có còn phản ánh đúng khái niệm ban đầu hay không. Ví dụ, với công nghệ điện thoại cũ, dùng kĩ thuật truyền tín hiệu tương tự (analog transmision), khi gọi điện thoại người gọi phải quay số (dial), nhưng với công nghệ số (digital transmission) ngày nay, người gọi không phải quay số mà bấm số (press), nhẹ nhàng và tiện hơn, tuy nhiên thuật ngữ quay số vẫn được sử dụng, nhất là ở dạng viết, trong khi trên thực tế, dưới dạng nói, nhiều người đã dùng bấm số.
f. Nguyên tắc thứ sáu – Bảo đảm tính pháp lí của thuật ngữ
Việc chuẩn hoá thuật ngữ phải được tiến hành hợp pháp, đúng luật và có sự hợp tác của các cơ quan hữu quan, của chính phủ.
Từ xưa tới nay vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa việc đặt thuật ngữ và việc chuẩn hoá chúng. Việc tạo thuật ngữ xảy ra ngay khi một khái niệm mới xuất hiện hay được khám phá, nó đòi hỏi một lượng thời gian rất ngắn để thực hiện; còn việc chuẩn hoá thì diễn ra sau khi thuật ngữ đã ra đời và cần thời gian lâu hơn để trải nghiệm, đặc biệt là khi có hai hay ba thuật ngữ được tạo ra để biểu diễn cùng một nội dung. Quá trình chuẩn hoá chỉ kết thúc khi mọi đặc điểm của khái niệm mà thuật ngữ diễn đạt đã trở nên rõ ràng, đảm bảo cho sự tồn tại của thuật ngữ, gạt đi mọi phiên bản của nó. Đôi khi sự biến mất của một khái niệm, sự vật, hiện tượng quyết định sự tồn tại hay mất đi của một thuật ngữ. Và trong khi chuẩn hoá thuật ngữ phải luôn luôn ý thức rằng đây là một quá trình linh hoạt, mềm dẻo nhằm tạo ra những đơn vị ngôn ngữ hợp lí nhất về nội dung, cũng như hình thức biểu đạt, chứ không phải là áp đặt những quy ước cứng nhắc, bất di bất dịch với các đơn vị đặc biệt này của ngôn ngữ. Vậy nên, các nguyên tắc mà chúng tôi trình bày ở đây cũng là những nguyên tắc đòi hỏi sự áp dụng rất linh hoạt trong xây dựng và chuẩn hoá thuật ngữ khoa học.
Theo chúng tôi, có thể tham khảo những nguyên tắc trên trong quá trình chuẩn hoá thuật ngữ khoa học tiếng Việt, vì thực ra chúng hoàn toàn phù hợp với những gì mà các nhà ngôn ngữ học Việt Nam bàn tới và thực hiện từ trước tới nay.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Khang (2000) – “Chuẩn hoá thuật ngữ nhìn từ bối cảnh xã hội”, Tạp chí Ngôn ngữ (1), Hà Nội.
2. Lưu Văn Lăng (1977) – “Về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học”, về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Nguyễn Kim Thản, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Văn Tu (2002) – Tiếng Việt trên đường phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Như Ý, 1997 – Từ điển giải thích thuật ngữ Ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Brown R. W. (2003) - Composotion of Scientfic Words, Smithsonian Institution Press, Washington and London.
6. Crystal D. (1992) – The Cambrdge Encyclopedia of Language, Cambridge University Press, Cambridge and New York.
7. Ewer J. R., LatorreG. (1976) – A Course in Basic Scientific English, Long man, London.
8. Flood W. E (1998) – Scientific Words – Their Structure and Meaning, Duell, Sloan and Pearce, New York.
9. Hutchinson T., Water A. (1986) – English for Specific Purposes, Cambridge University Press, Cambridge, New York.
10. Sager J. C. (1990) – A Practical Course in Terminology Processing, John Benjamins Publishing Company, msterdam/ Philadelphia.