Sau khi đã có một hiểu biết chi tiết về yêu cầu của cơ sở dữ liệu, bước đầu tiên là tìm cách mô tả lại một cách khái quát các dữ liệu ấy là gì, chúng móc nối với nhau ra sao. Để có thể nhận biết dễ dàng hơn, người ta sử dụng sơ đồ để trình bày điều này. Đối với cơ sở dữ liệu hoạt động theo mô hình quan hệ, lược đồ thực thể – liên kết được sử dụng.
Trong trường hợp đơn giản, số lượng thực thể và liên kết không nhiều, ta có thể vẽ lược đồ này bằng tay. Tuy nhiên, đối với những hệ thống phức tạp, ta cần đến sự hỗ trợ của những công cụ chuyên dùng. Để vẽ lược đồ này, hiện nay có khoảng 10 phương pháp thể hiện các chi tiết. Ta nên lưu ý đến phương pháp thể hiện của phần mềm để chọn lựa công cụ vẽ thích hợp.
Như trong phần trước đã đề cập, ta sẽ thiết kế cơ sở dữ liệu cho một công ty bánh kẹo với một số nghiệp vụ đơn giản. Công ty mua nguyên liệu từ một số nhà cung ứng để sản xuất ra sản phẩm; từ đó bán ra thị trường thông qua các đại lý, siêu thị, cửa hàng. Ta cũng chỉ xem xét lĩnh vực sản xuất và phân phối.
Trong giai đoạn thiết kế ở mức khái niệm, ta cần xây dựng mô hình thực thể – liên kết cho cơ sở dữ liệu. Muốn vậy ta phải xác định các thực thể, các liên kết và xây dựng lược đồ thực thể – liên kết.
Các thực thể của cơ sở dữ liệu
Sau khi xem xét sơ bộ tình hình của công ty và yêu cầu của cơ sở dữ liệu, ta có thể chọn 4 thực thể sau:
Thực thể NHA_CUNG_UNG dùng để lưu trữ các dữ liệu về các nhà cung ứng các loại nguyên liệu, vật tư, tiện ích vừa kể trên.
Thực thể KHACH_HANG dùng để lưu trữ các dữ liệu về những người, những công ty, những cơ quan mua hàng của công ty hay phân phối hàng cho công ty.
Những liên kết giữa các thực thể
Với những thực thể đã chọn bên trên, ta thấy có những liên kết sau giữa chúng:
Giữa hai thực thể NHA_CUNG_UNG và NGUYEN_LIEU, ta thấy có mối liên kết CUNG CẤP. Vì mỗi nhà cung ứng có thể cung cấp nhiều loại nguyên liệu và mỗi loại nguyên liệu có thể được cung ứng bởi một số nhà cung ứng khác nhau nên liên kiết giữa NHA_CUNG_UNG và NGUYEN_LIEU là liên kết nhiều-nhiều. Mặt khác mỗi nguyên liệu phải có ít nhất một nhà cung ứng nên bản số phía NHA_CUNG_UNG là 1:N. Có thể có nhà cung ứng không cung cấp nguyên liệu nào nên bản số ở phía NGUYEN_LIEU là 0:N.
Giữa hai thực thể NGUYEN_LIEU và SAN_PHAM có liên kết SẢN XUẤT. Vì mỗi loại nguyên liệu có thể dùng để sản xuất nhiều loại sản phẩm và mỗi loại sản phẩm cần dùng một số loại nguyên liệu nên liên kết giữa NGUYEN_LIEU và SAN_PHAM là liên kết nhiều-nhiều. Ngoài ra mỗi loại nguyên liệu đều phải được dùng để sản xuất ít nhất là một sản phẩm, và mỗi sản phẩm cần sử dụng ít nhất là một loại nguyên liệu. Vì thế bản số ở cả hai phía đều là 1:N.
Giữa hai thực thể KHACH_HANG và SAN_PHAM có liên kết MUA. Vì mỗi khách hàng có thể mua nhiều loại sản phẩm và mỗi sản phẩm có thể được mua bởi nhiểu khách hàng nên liên kết giữa KHACH_HANG và SAN_PHAM là liên kết nhiều-nhiều. Do có những khách hàng không mua sản phẩm nào, và cũng có những sản phẩm không được khách hàng nào đặt mua nên bản số ở cả hai phía đều là 0:N.
Lược đồ của mô hình thực thể – liên kết
Từ những luận điểm được trình bày bên trên, ta có thể xây dựng được lược đồ của cơ sở dữ liệu theo mô hình thực thể – liên kết ở dạng rút gọn như ở Hình 1.
Hình 1 Lược đồ cơ sở dữ liệu theo mô hình thực thể – liên kết (dạng rút gọn)