Xã hội hóa càng phát triển thì nhu cầu văn hóa của con người càng cao. Văn hóa có tác động lớn trong sự phát triển, trong chiến lược xây dựng con người.
Qua thực tiễn của nhiều nước trên thế giới cho thấy, trong phát triển nếu như không cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa thì sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng trong đời sống tinh thần của xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đề ra thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa và Việt Nam là nước hưởng ứng tích cực. Ðiều quan trọng hiện nay là chúng ta phải biến những nhận thức này trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là một trong những biện pháp tích cực để đưa văn hóa vào mọi lĩnh vực hoạt động trong đời sống xã hội, thúc đẩy vai trò của nó trong phát triển.
Lịch sử của công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã có trong các xã hội trước đây, như trong các ngày hội làng nhân dân thường đóng góp tiền của và tích cực tham gia các hoạt động trong ngày hội – phường tuồng, phường chèo được mời về làng diễn, được nhân dân nuôi dưỡng. Ai hát hay đàn giỏi thì được thưởng tiền… nhân dân vừa hưởng thụ vừa sáng tạo, tuy các hoạt động văn hóa mới ở mức sơ khai, chưa có sự tổ chức, hướng dẫn chặt chẽ.
Trong cơ chế quản lý tập trung bao cấp, chúng ta cũng đã đề ra phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, song nhiều nơi ỷ lại vào bao cấp nên chưa phát huy được hiệu quả. Cơ chế thị trường thôi thúc chúng ta sáng tạo ra nhiều hình thức để xã hội hóa. Nhiều địa phương như Cần Thơ, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh… đã xuất hiện nhiều hình thức phong phú trong lĩnh vực này.
Hoạt động văn hóa trong cơ chế thị trường có hai mặt tích cực và tiêu cực: Mặt tích cực của thị trường là đòi hỏi các hoạt động văn hóa phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thúc đẩy nó phải cạnh tranh giữa các mặt hoạt động, buộc nó phải năng động, sáng tạo, luôn luôn đổi mới.
Mặt tiêu cực của thị trường là dễ đẩy các hoạt động văn hóa vào con đường thương mại hóa. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa cũng diễn biến phức tạp theo hai hướng đó, đòi hỏi chúng ta, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa phân định rõ ràng ranh giới hai mặt của một vấn đề này.
Ðổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa trong quá trình xã hội hóa là sự đòi hỏi phát triển nội tại của hoạt động này. Hoạt động văn hóa chỉ trở thành của toàn xã hội, có vai trò thật sự trong các lĩnh vực của đời sống khi nó có chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ở đây thể hiện rất rõ quy luật cung và cầu của cơ chế thị trường.
Hoạt động văn hóa chất lượng thấp không đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội thì không thể tồn tại và cũng không bao giờ xã hội hóa được. Trong thời kỳ mở cửa, nhiều hình thức hoạt động văn hóa của chúng ta và thế giới cùng tồn tại, cạnh tranh nhau để phát triển, thì việc đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa là vấn đề sống còn, là tiền đề của xã hội hóa các hoạt động văn hóa.
Thí dụ, trong hoạt động nghệ thuật một số người có tiền đứng ra làm “đầu nậu” đưa các sản phẩm sân khấu, điện ảnh, ca nhạc chạy theo thị hiếu tầm thường, hạ thấp giá trị nghệ thuật. Một số người biến các di tích văn hóa, thắng cảnh thành nơi kinh doanh kiếm lời cho cá nhân.
Trong văn hóa truyền thống cũng như sự du nhập của văn hóa nước ngoài cũng có hai mặt tích cực tiêu cực. Hiện nay, xã hội hóa được thể hiện rất rõ nét trong việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Ðịnh hướng tốt sẽ phát huy những mặt tốt đẹp của lễ hội truyền thống. Song một số nơi thiếu định hướng, thiếu quản lý chặt chẽ đã làm cho các yếu tố tiêu cực như mê tín dị đoan kèm theo các tệ nạn xã hội khác phát triển. Vì vậy, xã hội hóa càng mạnh thì việc định hướng càng nghiêm ngặt, cụ thể để cho các hoạt động văn hóa đều hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Làm thế nào để tạo điều kiện mở rộng xã hội hóa các hoạt động văn hóa mà vẫn bảo đảm định hướng? Trong cơ chế quản lý tập trung bao cấp, các hình thức hoạt động văn hóa thường ít thay đổi, ít sáng tạo. Việc quản lý cũng theo kiểu hành chính, trì trệ cản trở sự năng động của hoạt động văn hóa.
Trong cơ chế thị trường, rõ ràng cần phải thay đổi các cách thức quản lý làm sao có tác động thúc đẩy các hoạt động văn hóa nhạy cảm hơn, năng động hơn theo kịp nhu cầu của xã hội.
Một vấn đề quan trọng là nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ văn hóa. Ngay trước đây, khi còn trong thời kỳ bao cấp, cán bộ luôn luôn quyết định các hoạt động văn hóa ở cơ sở có hiệu quả hay không. Ðược bao cấp như nhau, có nơi phong trào khá, có nơi phong trào kém.
Trong cơ chế thị trường, càng đòi hỏi những cán bộ văn hóa giỏi, năng động, luôn luôn bám sát cuộc sống bằng tất cả tâm trí của mình vì sự nghiệp.
Sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương đối với văn hóa là yếu tố quyết định để các hoạt động văn hóa phát triển. Nhà nước cần có chính sách và cơ chế quản lý thích hợp để việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa có điều kiện phát triển tốt.
Các hoạt động văn hóa muốn nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của xã hội không thể thiếu sự đầu tư của Nhà nước. Càng xã hội hóa mạnh càng cần sự đầu tư của Nhà nước. Nhưng sự đầu tư đó dựa trên cơ sở phân loại xác đáng thích hợp.
Nhà nước cần có chính sách và pháp luật làm cho tất cả các ngành, các địa phương và toàn xã hội nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa là việc làm còn mới mẻ, song lại rất thiết thực, nhằm giải quyết những khó khăn mà hoạt động văn hóa đang vấp phải trong cơ chế thị trường, đồng thời cũng tạo ra những nhân tố mới trong việc xây dựng nền văn hóa mới của chúng ta.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề xã hội hóa hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trước hết phải nói cơ sở là nơi chứa đựng nhiều nhất những giá trị văn hóa của dân tộc trên hai bình diện vật thể và phi vật thể; nước ta có hơn một nghìn di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng, có một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ không phải tập trung ở một nơi mà là ở rải rác khắp nơi trong cả nước.
Tinh hoa văn hóa của dân tộc, những giá trị tinh thần bất diệt như: lòng yêu nước, yêu đồng bào, thuần phong mỹ thục, tình làng nghĩa xóm… không phải từ trên trời rơi xuống mà khơi nguồn từ làng xã Việt Nam, từ cuộc đấu tranh hàng nghìn năm để chiến thắng thiên tai và giặc ngoại xâm. Vốn nghệ thuật dân gian cũng đều xuất phát từ đồng quê, từ lũy tre làng không phải là nơi nào khác.
Ở trong xã hội hiện đại, khi đô thị phát triển nhanh chóng thì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn là nền tảng tinh thần của các đô thị, tạo nên bản sắc riêng của đô thị Việt Nam. Bản thân việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã mang tính xã hội hóa cao, vì ở đấy các phong trào, các hình thức hoạt động, các nguồn nhân lực đều bắt đầu từ sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên điều trăn trở nhất hiện nay khi mà kinh tế hoạt động trong cơ chế thị trường thì nguồn kinh phí lấy ở đâu ra và ai sẽ tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa? Và tham gia như thế nào?
Trước tiên chúng ta phải xác định mục đích xã hội hóa là gì và hiệu quả cuối cùng của nó như thế nào? Có nghĩa là không phải xã hội hóa một cách tùy tiện với bất cứ giá nào.
Mục đích xã hội hóa hoạt động văn hóa là nhằm biến việc xây dựng nền văn hóa mới của chúng ta trở thành công việc toàn xã hội, ở đó tất cả các ngành, đoàn thể, cơ quan xí nghiệp, trường học… và tất cả mỗi chúng ta đều ghé vai gánh vác, đóng góp. Hiệu quả cuối cùng của công việc này lại đòi hỏi đạt được mục tiêu chung là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Suy cho cùng khó khăn trở ngại lớn nhất khi tiến hành xã hội hóa hoạt động văn hóa là nguồn tài chính và nguồn nhân lực, phải thường xuyên trả lời câu hỏi: ai là người đứng ra khuấy động phong trào và nguồn tài chính lấy ở đâu ra?
Bởi vậy chúng ta không ảo tưởng cho rằng cứ hô một tiếng là mọi người ào ào đi theo. Cần có sự nghiên cứu thực tiễn một cách khoa học rồi từ đó có những bước đi thích hợp. Từng bước, từng bước đi vững chắc và có hiệu quả.
Nhiều năm qua, việc xã hội hóa các lễ hội truyền thống là đạt hiệu quả cao nhất. Tại sao vậy? Trước hết đó là do nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng và tâm linh rất lớn, không thể thiếu được của quảng đại quần chúng nhân dân. Cho nên “nhất hô bá ứng”. Có nhiều vùng quê nghèo nhưng mọi người sẵn sàng bỏ công sức, tiền của để tôn tạo đình chùa, miếu mạo, để có nơi thờ cúng, tế lễ thành hoàng làng mình, để chăm sóc những giá trị tinh thần của cuộc sống gắn bó thiết thân với mỗi người, mỗi gia đình. Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, nguồn tài chính to lớn từ trong nhân dân mà ra.
Theo chúng tôi phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể rất khó làm nhưng lại ít tốn kém. Thí dụ: Xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa… chỉ cốt mọi người hiểu rõ vấn đề và tích cực tham gia đâu cần có nhiều tiền mới xây dựng được nhưng để “mọi người hiểu rõ” quả thật không đơn giản chút nào. Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa chính là để giải quyết khâu then chốt này. Chỉ có dân hiểu, dân bàn và dân làm thì mọi phong trào mới dẫn đến kết quả tốt đẹp.
Xã hội hóa chỉ là một trong những biện pháp để xây dựng một nền văn hóa bền vững. Nhà nước cần đầu tư ngày càng nhiều hơn cho văn hóa cùng với đà phát triển kinh tế.
Ngay bây giờ, chúng tôi nhận thấy: nhiều nơi không có địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Ngày xưa đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng. Còn bây giờ thì sao?
Ðể phát huy dân chủ ở cơ sở thì trước hết phải có địa điểm hội họp. Nên chăng mỗi làng, mỗi thôn, mỗi bản có một nhà văn hóa. Nơi đó vừa là chỗ sinh hoạt văn hóa, vừa là chỗ tập hợp cộng đồng bàn những việc mà nhân dân quan tâm. Kinh phí chắc chắn không phải chỉ do dân đóng góp, cần có sự đầu tư của chính quyền địa phương và tốt nhất là có quy chế từ trung ương.
Ðó chỉ là một việc cụ thể thôi, còn có muôn vàn việc cụ thể khác nữa. Có sự quan tâm đầy đủ của Nhà nước, từ trung ương đến địa phương, chắc chắn bộ mặt văn hóa của đất nước sẽ đổi thay. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng: Sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa là của toàn dân, song muốn đạt mục tiêu định hướng, Nhà nước là người quyết định.
TRUNG ÐÔNG
Ông Hà Văn Tăng, Cục trưởng văn hóa – thông tin cơ sở:
Xã hội hóa hoạt động văn hóa là để mọi người, tổ chức và các cá nhân tham gia. Trong đó các nhà quản lý hướng dẫn nhân dân thực hiện. Xã hội hóa tạo điều kiện cho giá trị văn hóa được nhân lên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhiều người. Xã hội hóa như thế nào rất cần có chủ trương để người dân thực hiện. Những nhà quản lý cần phải soạn thảo những văn bản để thực hiện hành lang pháp lý văn bản dưới luật.
Lúng túng trên đường triển khai xã hội hóa hoạt động sân khấu là do đâu? Nên tiến hành xã hội hóa sân khấu từng bước như thế nào?
Thực tình, đối với đơn vị chúng tôi, khái niệm “xã hội hóa” không phải là một điều quá xa lạ. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngay sau khi ra đời, Hãng phim truyện I đã có nhiều bộ phim được sản xuất mang dáng dấp của hình thức đó.
Xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật, diễn viên có nhiều cơ hội khẳng định mình, nhưng cũng đồng thời phải đối mặt nhiều thử thách. Việc xóa bỏ hay giảm bớt ngân sách bao cấp cho các nhà hát, đơn vị nghệ thuật là một chủ trương cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ðiều này đòi hỏi sự chủ động vượt khó, suy nghĩ tìm tòi những hướng đi mới.