Đây là những công cụ – khái niệm hay công cụ – nhận thức dùng để tiếp cận những vấn đề nghiên cứu. Chúng thường hay bị, hay được sử dụng lẫn lộn, dù mỗi một khái niệm đều có những đặc trưng riêng của mình. Bạn đang xem bài viết Khái niệm Văn Hóa và các khái niệm khác trong chuyên mục Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam tại website của mr Tâm Pacific. Chúc cho bạn nghiên cứu thành công tất cả các bài viết về Văn Hóa Việt Nam trên website.
Khái niệm Văn Hóa
Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thưở bình minh của xã hội loài người. Ở phương Đông, từ văn hóa đã có trong đời sống ngôn ngữ rất sớm. Trong Chu Dịch, quẻ Bi đã có từ văn và hóa : Xem dáng về con người, lấy đó mà giáo hóa thiên hạ (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ). Người sử dụng từ văn hóa sớm nhất có lẽ là Lưu Hướng ( năm 77-6 trước công nguyên), thời Tây Hán với nghĩa như một phương thức giáo hóa con người – văn trị giáo hóa. Văn hóa ở đây được dùng đối lập với vũ lực (phàm dấy việc võ là vì không phục tùng, dùng văn hóa mà không sửa đổi, sau đó mới thêm chém giết).
Ở phương Tây, để chỉ đối tượng mà chúng ta nghiên cứu, người Pháp, người Anh có từ Culture, người Đức có từ Kultur, người Nga có từ Kultura. Những từ này lại có chung gốc La Tinh, là chữ Cultus Animi, là trồng trọt tinh thần. Vậy chữ Cultus là văn hóa với hai khía cạnh : trồng trọt, thích ứng với tự nhiên, khai thác tự nhiên và giáo dục đào tạo cá thể hay cộng đồng, để không còn là con vật tự nhiên, và họ có những phẩm chất tốt đẹp. Tuy vậy, việc xác định và sử dụng khái niệm văn hóa không đơn giản, và thay đổi theo thời gian thuật ngữ văn hóa với nghĩa “Canh Tác Tinh Thần” được sử dụng vào thế kỷ XVII – XVIII bên cạnh nghĩa gốc là quản lý canh tác nông nghiệp.
Vào thế kỷ XIX, thuật ngữ “văn hóa” được những nhà nhân loại học phương Tây sử dụng như một danh từ chính. Những học giả này cho rằng văn hóa (văn minh) thế giới có thể phân loại ra từ trình độ thấp nhất đến cao nhất, và văn hóa của họ chiếm vị trí cao nhất. Bởi vì họ cho rằng, bản chất văn hóa hướng về trí lực và sự vươn lên, sự phát triển tạo thành văn minh. Ông E.B Taylor là người diện của họ. Theo ông, văn hóa và toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, những khả năng và tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội.
Ở thế kỷ XX, khái niệm văn hóa thay đổi theo F. Boas ý nghĩa văn hóa được quy định do khung giải thích riêng, chứ không phải bắt nguồn từ cứ liệu cao siêu như “trí lực”. Vì thế sự khác nhau về mặt văn hóa từng dân tộc cũng không phải theo tiêu chuẩn trí lực. Đó cũng là “tương đối luận của văn hóa”. Văn hóa không xét ở mức độ thấp cao mà ở góc độ khác biệt. Theo A.L Kroeber và C.L Kluckhohn quan niệm văn hóa là loại hành vi rõ ràng, và ám thị đã được đúc kết và truyền lại bằng biểu tượng, và nó hình thành quả độc đáo của nhân loại khác với các loại hình khác, trong đó bao gồm cả đồ tạo tác do con người làm ra.
Khái niệm Văn Minh
Văn Minh là danh từ Hán – Việt (văn là vẻ đẹp minh là sáng) chỉ tia sáng của đạo đức, thể hiện ở chính trị, pháp luật, văn học, nghệ thuật. Trong tiếng Anh, Pháp từ Civilisation với nội hàm nghĩa văn minh, có từ căn gốc La Tinh là Civitas với nghĩa gốc là đô thị, thành phố và các nghĩa phát sinh là thị dân, công dân. theo W. Durrant sử dụng khái niệm văn minh để chỉ sự sáng tạo văn hóa, nhờ một trật tự xã hội gây ra, và kích thích. Văn minh được dùng theo nghĩa tổ chức xã hội, tổ chức luân lý, và hoạt động văn hóa. Văn minh trong tiếng Đức là để chỉ các xã hội đã đạt được tới giai đoạn tổ chức đô thị và chữ viết.
Theo F. Ăngghen thì văn minh là chính trị khoanh văn hóa lại, và sợi dây liên kết văn minh là Nhà nước. Như vậy, khái niệm văn minh thường bao hàm bốn yếu tố cơ bản là đô thị, nhà nước, chữ viết, các biện pháp kỹ thuật cải thiện, xếp đặt hợp lý, tiện lợi cho cuộc sống của con người. Tuy vậy, người ta vẫn hay sử dụng thuật ngữ văn minh đồng nghĩa với văn hóa. Các học giả Anh và Pháp thường sử dụng lẫn lộn hai khái niệm văn hóa (culture) và văn minh (civilisation) để chỉ toàn bộ sự sáng tạo và các tập quán tinh thần và vật chất riêng cho mọi tập đoàn người. Thực ra, văn minh là trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương diện vật chất, đặc trưng cho một khu vực rộng lớn, một thời đại, hoặc cả nhân loại. Như vậy, văn minh khác với văn hóa ở ba điểm.
– Thứ nhất : trong khi văn hóa có bề dày của quá khứ thì văn minh chỉ là một lắt cắt đồng đại.
– Thứ hai : trong khi văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần, thì văn minh chỉ thiên về khía cạnh vật chất, kỷ thuật.
– Thứ ba : trong khi văn hóa mang tính dân tộc rõ rệt, thì văn minh thường mang tính siêu dân tộc – quốc tế.
Ví dụ nền văn minh tin học hay văn minh hậu công nghiệp và văn hóa Việt Nam, văn hóa Nhật Bản, văn hóa Trung Quốc, … Mặc dù, giữa văn hóa và văn minh có một điểm gặp gỡ nhau, đó là do con người sáng tạo ra.
Khái niệm Văn Hiến
Ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, từ xa xưa đã phổ biến khái niệm Văn Hiến. Có thể hiểu văn hiến là văn hóa theo cách dùng, cách hiểu trong lịch sử. Từ đời Lý (1010) người Việt Nam đã tự hào nước mình là một “văn hiến chi bang”. Đến đời Lê (thế kỷ XV) Nguyễn Trãi viết : “Duy ngã Đại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang” – (Duy nước Đại Việt ta thực sự là một nước văn hiến). Từ văn hiến mà Nguyễn Trãi dùng ở đây là một khái niệm rộng rãi, chỉ một nền văn hóa cao, trong đó nếp sống tinh thần, đạo đức được chú trọng.
Văn hiến ( hiến = hiền tài ) – truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp. Giáo Sư Đào Duy Anh khi giải thích từ “văn hiến” khẳng định : “là sách vở” và nhân vật tốt trong một đời. Nói cách khác là văn hóa, hiến là hiền tài, như vậy Văn Hiến thiên về những giá trị tinh thần, do những người có tài đức chuyền tải, thể hiện tính dân tộc, tính lịch sử rõ rệt.
Khái niệm Văn Vật ( vật = vật chất )
Truyền thống văn hóa tốt đẹp biểu hiện ở nhiều nhân tài trong lịch sử, và nhiều di tích lịch sử. “Hà Nội nghìn năm văn vật”. Văn vật còn là khái niệm hẹp để chỉ những công trình hiện vật có giá trị nghệ thuật và lịch sử, khái niệm văn vật, cũng thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc, và tính lịch sử. Khái niệm văn hiến, văn vật, thường gắn với phương Đông nông nghiệp, trong khi khái niệm văn minh thường gắn với phương Tây đô thị. Như vậy, cho đến nay, chưa phải mọi người đã đồng ý với nhau tất cả về định nghĩa của văn hóa.
Từ năm 1952, hai nhà dân tộc học Mỹ là A.L Kroeber và C.L Kluckhohn đã trích lục được trên dưới ba trăm định nghĩa, mà các tác giả khác nhau của nhiều nước từng phát ra từ trước nữa cho đến lúc bây giờ. Từ đó đến nay, chắc chắn số lượng định nghĩa tiếp tục tăng lên và đương nhiên, không phải lúc nào các định nghĩa đưa ra cũng có thể thống nhất, hay hòa hợp, bổ sung cho nhau. Chúng tôi xin dẫn một số định nghĩa đã được công bố trong những giáo trình và công trình nghiên cứu về Văn hóa học hay Cơ sở văn hóa Việt Nam. Theo một số học giả Mỹ là “Văn hóa là tấm gương nhiều mặt, phản chiếu đời sống và nếp sống của một cộng đồng dân tộc”. Ở trung tâm của văn hóa quyển, là hệ tư tưởng cũng được xem là một hệ văn hóa.
Ở Việt Nam, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói : “Vì lẻ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặt ăn, ở, và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Trích trong Hồ Chí Minh toàn tập, in lần 2, của Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội năm 1995 ở tập thứ 3, trang 431.
Phó Giáo Sư Phan Ngọc đưa ra một định nghĩa văn hóa mang tính chất thao tác luận, khác với những định nghĩa trước đó, theo ông đều mang tính tinh thần luận, “Không có cái vật gì gọi là văn hóa cả, và ngược lại bất kỳ vật gì cũng có cái mặt văn hóa. Văn hóa là một quan hệ. Nó là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng và thế giới thực tại. Quan hệ ấy biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của một tộc người, một cá nhân so với một tộc người khác, một cá nhân khác. Nét khác biệt giữa các kiểu lựa chọn làm cho chúng khác nhau, tạo thành những nền văn hóa khác nhau là độ khúc xạ. Tất cả mọi cái mà tộc người tiếp thu hay sáng tạo đều có một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lĩnh vực và rất khác độ khúc xạ ở một tộc người khác”.
Trên cơ sở phân tích các định nghĩa văn hóa, Phó Giáo Sư , TSKH Trần Ngọc Thêm đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau : “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy ra quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Định nghĩa này đã nêu bật 4 đặc trưng quan trọng của văn hóa là tính hệ thống, tính giá trị, tính lịch sử, tính nhân sinh. Chúng tôi cho rằng, trong vô vàn cách hiểu, cách định nghĩa về văn hóa, ta có thể tạm quy về hai loại. Văn hóa hiểu theo nghĩa rộng như lối sống, lối suy nghĩ, lối ứng xử, … Văn hóa hiểu theo nghĩa hẹp như văn học, văn nghệ, học vấn, … và tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có những định nghĩa khác nhau. Ví dụ như xét từ khía cạnh tự nhiên, thì văn hóa là “cái tự nhiên được biến đổi bởi con người” hay “tất cả những gì không phải là thiên nhiên đều là văn hóa”. Gần đây nhất, trong một bài viết của mình, Phó Giáo Sư Nguyễn Từ Chi đã quy các kiểu nhìn khác nhau về văn hóa vào hai góc độ :
– Góc rộng hay góc nhìn dân tộc học, đây là góc chung của nhiều ngành khoa học xã hội.
– Góc hẹp, góc thông dụng trong cuộc sống hằng ngày, còn gọi là góc báo chí.
Theo cách hiểu góc rộng – văn hóa là toàn bộ cuộc sống (nếp sống, lối sống) cả vật chất và tinh thần của từng cộng đồng. Ví dụ như nghiên cứu văn hóa Việt Nam là nghiên cứu lối sống của các dân tộc Việt Nam. Văn hóa từ góc nhìn “báo chí” tuy cũng có những cách hiểu rộng hơn, hay hẹp hơn, nhưng trước đây thường gắn với kiến thức của con người, của xã hội. Ngày nay, văn hóa dưới góc báo chí đã hướng về lối sống hơn là về kiến thức mà theo tác giả, là lối sống gấp, đằng sau những biến động nhanh của xã hội.
Trần Quốc Vượng, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Chí Bền, Lâm Mỹ Dung, Trần Thúy Anh
*** Bạn đang xem bài viết : Khái niệm Văn Hóa và các khái niệm Văn Hóa khác Link https://tampacific.com/khai-niem-van-hoa-va-cac-khai-niem-van-hoa-khac.html