An ninh phi truyền thống trong tiếng Anh là Nontraditional Security, trong những tác phẩm và bài viết của các học giả phương Tây có lúc cũng dùng những từ như: an ninh phi thường quy (Unconventional Security), uy hiếp phi truyền thống (Nontraditional Threast), vấn đề phi truyền thống (Nontraditional Issues) và uy hiếp mới (New Threast), an ninh mới (New Security). An ninh phi truyền thống khác với an ninh truyền thống (Traditional Security). An ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đều chỉ một loại quan niệm an ninh, nhưng khác nhau ở góc nhìn đối với nhận thức về an ninh, chủ thể của an ninh, tính chất của an ninh, nội hàm của khái niệm an ninh. An ninh phi truyền thống là một loại quan niệm an ninh mới, nhấn mạnh rằng, an ninh quốc gia tuy vẫn quan trọng nhưng không phải là chủ thể duy nhất của an ninh; nội dung an ninh quốc gia không chỉ là an ninh chính trị và quân sự; an ninh quốc gia và an ninh quốc tế, an ninh toàn cầu tác động qua lại lẫn nhau, trong một ý nghĩa nào đó, an ninh quốc tế và an ninh toàn cầu trực tiếp ảnh hưởng và chi phối an ninh quốc gia.
1/ Hiểu thế nào về nội hàm của an ninh phi truyền thống
Cho đến nay, rất khó khảo chứng từ “an ninh phi truyền thống” xuất hiện trong giới nghiên cứu an ninh quốc tế và quan hệ quốc tế phương Tây sau Chiến tranh Lạnh sớm nhất khi nào, ở đâu. Các học giả chuyên nghiên cứu an ninh quốc tế, chính trị học quốc tế, quan hệ quốc tế và vấn đề an ninh phi truyền thống của các nước phương Tây vẫn chưa có sự nhất trí về khái niệm an ninh phi truyền thống. Các học giả phương Tây, trên cơ sở suy ngẫm lại quan niệm an ninh truyền thống, kết hợp với một số vấn đề, sự uy hiếp an ninh hiện thực mà các nước phương Tây và cả thế giới phải đối mặt sau Chiến tranh Lạnh, như tính đa nguyên của chủ thể an ninh, tính đa dạng của vấn đề an ninh, tính chất của uy hiếp an ninh và phương thức, biện pháp ứng phó với những vấn đề an ninh đó,… để trình bày và phân tích ý nghĩa của từ an ninh phi truyền thống nhằm phân biệt nó với an ninh truyền thống. Nhưng giữa các học giả phương Tây vẫn có sự bất đồng tương đối lớn về sự phân biệt và mối liên hệ giữa an ninh phi truyền thống hoặc an ninh mới với an ninh truyền thống. Có một loại quan điểm cho rằng, an ninh truyền thống lấy an ninh quốc gia làm trọng, còn an ninh phi truyền thống, hoặc an ninh mới lấy an ninh nhân loại làm trọng. Một loại quan điểm khác cho rằng, an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh quốc gia và an ninh của con người.
Gần đây, các học giả Trung Quốc bắt đầu quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn vấn đề na ninh phi truyền thống. Có học giả gọi an ninh phi truyền thống là uy hiếp an ninh mới, một loại uy hiếp an ninh chỉ nổi lên trong những năm gần đây. Cũng có học giả định nghĩa, nó là sự tác động qua lại với một hoặc nhiều quốc gia và có thể cấu thành uy hiếp lớn đối với sự sinh tồn và phát triển của chính nước đó.
Như vậy, an ninh phi truyền thống, trước hết, là một loại nhận thức và quan niệm an ninh mà khách quan nhìn thấy ở chủ quan, an ninh luôn liên hệ chặt chẽ với cảm nhận, nhận thức, trạng thái và vấn đề. Vì thế, bản chất của an ninh phi truyền thống chỉ là một loại quan niệm an ninh và tồn tại hiện thực, cũng giống như mọi người bàn luận đến “an ninh quốc gia” đều đề cập đến những vấn đề như tình hình an ninh quốc gia như thế nào, tồn tại và khả năng có thể xuất hiện những vấn đề gì, an ninh hơn hay là nguy hiểm hơn. Hai là nó khác với an ninh truyền thống – coi an ninh quốc gia là chí thượng, lấy an ninh chính trị và quân sự làm chính, lấy phương thức vũ lực hoặc chiến tranh để giải quyết xung đột và mâu thuẫn giữa các quốc gia. Quan niệm an ninh phi truyền thống rộng hơn, ngoài thực thể quốc gia về địa lý và chính trị, nó còn bao hàm an ninh khu vực, an ninh toàn cầu, an ninh con người, vấn đề mang tính xuyên quốc gia do những uy hiếp và nhân tố phi chính trị, phi quân sự gây ra và ảnh hưởng đến an ninh các nước, sự “lan tỏa” ảnh hưởng của vấn đề nội bộ một nước gây mất an ninh cho nước khác hoặc khu vực; và đa dạng hơn trong phương pháp giải quyết vấn đề. Nói một cách đơn giản, hàm ý của từ an ninh phi truyền thống là vấn đề xuyên quốc gia do nhân tố phi chính trị, phi quân sự gây ra, trực tiếp ảnh hưởng, thậm chí uy hiếp đến sự phát triển, ổn định và an ninh của nước này hay nước khác, thậm chí là của khu vực và toàn cầu. Nội dung của nó còn bao hàm cả một loại quan niệm mới tương ứng với lĩnh vực nghiên cứu an ninh mới.
2/ An ninh quốc gia: Nhìn từ sự mở rộng của quan niệm
Sau Chiến tranh Lạnh, khái niệm an ninh phi truyền thống ngày càng được mọi người quan tâm và thậm chí trở thành lĩnh vực mới trong nghiên cứu an ninh quốc gia và an ninh quốc tế, trên thực tế, nó phản ánh sự thay đổi nhận thức về an ninh và quá trình mở rộng phát triển quan niệm an ninh quốc gia. Nhưng quá trình thay đổi khách quan đó không phải là mới bắt đầu từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, mà nó đã xảy ra từ trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Năm 1983, nhà kinh tế chính trị học quốc tế Richard H. Ullman trong bài viết Giới định lại an ninh trên tạp chí An ninh quốc tế đã phê bình quan niệm an ninh quốc gia của chủ nghĩa hiện thực. Ông chỉ ra rằng, chỉ có hoặc chủ yếu giới định “an ninh quốc gia” ở tầng nấc quân sự à một “giả thiết sai lầm” và là thứ hư cấu, nó dẫn đến việc quốc gia chỉ chú ý đến uy hiếp quân sự mà coi nhẹ những cái khác có lẽ còn nguy hiểm, có hại hơn, đồng thời khiến cho quan hệ quốc tế xuất hiện khuynh hướng quân sự hóa.
Hơn nữa, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mậu dịch và tài chính tiền tệ quốc tế, cũng như khoa học kỹ thuật thông tin, giao lưu kinh tế giữa các nước ngày càng chặt chẽ, xu thế “phụ thuộc lẫn nhau” giữa các nước ngày càng rõ ràng, “khả năng hủy diệt lẫn nhau” và hiện thực tàn khốc trong việc tạo thế cân bằng, khủng bố hạt nhân… khó phân thắng bại đã thôi thúc mọi người xem xét an ninh quốc gia với tầm nhìn rộng hơn, góc độ sâu hơn, đồng thời điều chỉnh tương ứng chiến lược an ninh quốc gia. Cuối thập niên 70 thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra chiến lược bảo đảm an ninh tổng hợp, theo đó, bảo đảm an ninh quốc gia chỉ dựa vào thủ đoạn quân sự là chưa đủ, mà cần phải dựa vào những biện pháp khác như kinh tế, khoa học kỹ thuật. Điều đó cho thấy, trước khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự mở rộng quan niệm an ninh quốc gia đã bắt đầu từ lĩnh vực chính trị và quân sự sang lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, tài nguyên, nguồn năng lượng.
Một là, ý thức an ninh và khái niệm an ninh từ lĩnh vực chính trị, quân sự dần mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường, khoa học kỹ thuật, thông tin, dư luận, xuất hiện những khái niệm như an ninh tài chính tiền tệ, an ninh kinh tế, an ninh khoa học kỹ thuật, an ninh thông tin, an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh văn hóa, an ninh dư luận, an ninh xã hội, an ninh y tế công cộng.
Hai là, khái niệm an ninh và định hướng chính sách đã có thay đổi. Trước kia, các nước tập trung xác định và chủ yếu đối phó với môi uy hiếp từ bên ngoài, hiện nay, mở rộng quan tâm đến một số “nhân tố bất ổn định” trong quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển chính trị, đời sống, xã hội trong nước, điều chỉnh và thay đổi hệ thống giá trị văn hóa nước mình và cả ứng phó với động loạn trong nước có thể xuất hiện với nhiều hình thức.
Ba là, nhận thức và đối tượng quan tâm của an ninh cũng được mở rộng. Nhận thức và đối tượng quan tâm của an ninh truyền thống chỉ là quốc gia, còn sau Chiến tranh Lạnh, bên cạnh những nhận thức đó còn mở rộng đến cá nhân và toàn bộ nhân loại. Học giả người Anh Barry Buzan đã kéo dài nhận thức của khái niệm an ninh theo hai hước dọc và ngang trong cuốn sách Con người, quốc gia và nỗi sợ ( People, States and Fear, 1991), cho rằng, an ninh nhân lại còn quan trọng hơn an ninh quốc gia, quốc gia chỉ là thủ đoạn của an ninh, chứ không phải là mục đích cuối cùng. Quan điểm đó và quan điểm an ninh truyền thống xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa hiện thực rất khác nhau [Sự mở rộng khái niệm an ninh theo hướng dọc của Barry Buzan rõ ràng chịu ảnh hưởng của Kenneth Waltz, nhân vật đại diện quan trọng của phương pháp phân tích tầng nấc quan hệ quốc tế. Kenneth đã phân tích nguyên nhân chiến tranh từ ba tầng nấc trong cuốn sách Con người, Quốc gia và Chiến tranh: một loại phân tích lý luận. Barry Buzan đã học theo cách “phân tích tầng nấc chiều dọc (vertical levels of analysis) của Kenneth, thêm vào đó là “phân tích tầng nấc chiều ngang” (horizontal levels of analysis) quan trọng hơn, cấu thành phương pháp tổng hợp để nhìn thấu vấn đề an ninh. Trong hướng ngang, trên thực tế, an ninh bao gồm 5 bộ phận an ninh lớn: chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và quân sự. Chúng liên kết lẫn nhau, thiếu một trong đó là không được. Ở hướng dọc, sự mở rộng của khái niệm an ninh là xuất phát từ an ninh quốc gia hoặc an ninh dân tộc, một mặt, nâng cao đến an ninh của hệ thống quốc tế và hệ thống toàn cầu, mặt khác, hạ thấp đến an ninh của toàn nhân loại, như vậy an ninh đã bao gồm ba tầng nấc quan hệ qua lại với nhau: con người, quốc gia và toàn cầu. Hai hướng ngang, dọc khiến cho chúng ta có được một tọa độ để suy ngẫm và thiết kế vấn đề an ninh].
Từ những minh giải trên, có thể thấy rằng, an ninh phi truyền thống được hình thành từng bước, từ sự mở rộng nội hàm và ngoại diên của quan niệm an ninh quốc gia sau Chiến tranh Lạnh và khác với an ninh truyền thống, đồng thời phản ánh tình hình hiện thực của vấn đề an ninh quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Có thể nói, mối đe dọa đơn nhất của thời đại Chiến tranh Lạnh đối với an ninh đã bị mối đe dọa đa tầng nấc, mang tính đa dạng và không cân xứng của thời đại toàn cầu hóa thay thế.
TH: T.Giang – CSCI