Chắc chắn cụm từ công nghiệp hóa hiện đại hóa đã không còn xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam chúng ta. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu chủ trương này của Đảng và nhà nước là gì, tại sao phải thực hiện nó?
1. Công nghiệp hóa hiện đại hóa là gì?
Khái niệm công nghiệp hóa xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ XVIII. Cho đến hôm nay, thế giới đã chứng kiến rất nhiều công cuộc công nghiệp hóa khác nhau, từ công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa. Nhìn chung hai hình thức công nghiệp hóa này có sự giống nhau về mặt lực lượng sản xuất, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, xét về mục đích, phương thức tiến hành và sự chi phối trong quan hệ sản xuất thì chúng lại rất khác nhau.
Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa cũng sẽ có những đặc điểm khác biệt khi đặt vào trong từng thời điểm, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia. Do đó mà với mỗi quốc gia, nội dung công nghiệp hóa mà chính phủ đặt ra cũng sẽ khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, công nghiệp hóa là một quá trình thay đổi từ một đất nước có nền kinh tế lạc hậu thành một quốc gia công nghiệp phát triển.
Cụ thể, Đảng ta đã đưa ra quan niệm về công nghiệp hóa hiện đại hóa như sau: “Công nghiệp hóa hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế – xã hội, từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”.
Từ đó có thể thấy rằng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa là hai khái niệm không thể tách rời nhau, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong quá trình phát triển nền công nghiệp không chỉ đơn thuần là cải tiến kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại mà còn phải biết áp dụng công nghệ hiện đại giúp tăng năng suất, sản lượng cũng như chất lượng.
Công nghiệp hóa phải gắn liền với hiện đại hóa cũng là để thực hiện yêu cầu rút ngắn khoảng cách tụt hậu về kinh tế giữa nước ta với các nước trong khu vực và với các nước phát triển trên thế giới. Thêm vào đó, việc trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại và tự động hóa cũng sẽ là nền tảng để đất nước ta thực hiện mô hình công nghiệp hóa rút ngắn thời gian.
2. Tính tất yếu của công nghiệp hóa hiện đại hóa
Mỗi phương thức sản xuất trong xã hội đều có cơ sở vật chất và kỹ thuật tương ứng. Trong giai đoạn trước thời kỳ chủ nghĩa tư bản, cơ sở vật chất, kỹ thuật khá lạc hậu và thô sơ. Đến thời kỳ chủ nghĩa tư bản, đặc trưng của cơ sở vật chất đã tiến lên một bước thành nền đại công nghiệp cơ khí hóa.
Do đó, đối với phương thức sản xuất của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải tiến bộ hơn nữa cả về mặt trình độ lẫn cơ cấu kỹ thuật sản xuất. Những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ chính là nền tảng cho những bước tiến này.
Vì thế, cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội phải thật sự hiện đại, có tính xã hội hóa cao được xây dựng và hình thành theo kế hoạch. Đặc biệt đối với các nước đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam thì việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát triển kinh tế, xã hội là rất quan trọng.
Trong đó, công nghiệp hóa hiện đại hóa chính là chìa khóa. Mỗi bước tiến của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ là một bước tăng cường quan trọng cho cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất và góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
3. Vai trò của công nghiệp hóa hiện đại hóa
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đóng vai trò quan trọng, có những tác động to lớn và mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội và mọi mặt đời sống của đất nước.
Tạo điều kiện thay đổi về chất nền sản xuất xã hội, tăng năng suất lao động, tăng sức chế ngự của con người đối với thiên nhiên, tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.
Tạo điều kiện vật chất cho việc củng cố, tăng cường vai trò kinh tế của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khoa học và công nghệ phát triển nhanh đạt trình độ tiên tiến hiện đại.
Tạo điều kiện vật chất cho việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức thực hiện sự phân công và hợp tác quốc tế.
Từ đây có thể thấy được vai trò nền tảng, mối quan hệ gắn bó, tác động qua lại trực tiếp giữa công nghiệp hóa hiện đại hóa với lực lượng sản xuất của xã hội. Vai trò của công nghiệp hóa hiện đại hóa là thực hiện xã hội hóa sản xuất về mặt kinh tế, kỹ thuật được định hướng theo chủ nghĩa xã hội.
Chính vì vai trò quan trọng này mà Đảng ta đã sớm xác định “Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại … là nhiệm vụ trung tâm” trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
4. Ví dụ về công nghiệp hóa hiện đại hóa
Với mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Đảng ta đã đưa ra những chủ trương và giải pháp lớn sau:
Phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn;
Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp;
Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn;
Xây dựng đời sống văn hóa – xã hội và phát triển nguồn nhân lực;
Các giải pháp về quy hoạch, khoa học – công nghệ, đất đai, tài chính, tín dụng, lao động và việc làm, thương mại và hội nhập kinh tế.
Xét tổng quát, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn những năm qua bao hàm những nội dung cơ bản sau đây:
Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và tính chất phát triển lực lượng sản xuất ở nông thôn; huy động sự tham gia chủ động, rộng rãi và có hiệu quả của mọi lực lượng trong xã hội vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.
Xây dựng nền kinh tế thị trường văn minh thay thế cho nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ mang nặng tính chất tự cung tự cấp của những người tiểu nông.
Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại đủ điều kiện đáp ứng các nhu cầu của sản xuất và đời sống vật chất – văn hóa của dân cư, có thuần phong mỹ tục, lối sống với bản sắc nông thôn được hài hòa với nền văn minh công nghiệp, văn minh trí tuệ và môi trường sinh thái trong lành.
Xây dựng con người mới ở nông thôn bảo đảm được các yêu cầu: có tri thức làm chủ quá trình hoạt động của mình; có tính cộng đồng cao; năng động đổi mới và tiếp thu cái mới; tư duy lối sống văn minh hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của người dân nông thôn…
Nếu như bạn vẫn còn bất cứ thắc mắc hay băn khoăn nào về vấn đề này, hãy liên hệ ngay với Tri Thức Cộng Đồng thông qua SĐT: 0946 88 33 50 hoặc Email: ttcd.group@gmail.com để được hỗ trợ sớm nhất.
Nguồn: Tri Thức Cộng Đồng