Bạn đang xem bài viết Những Rào Cản Đối Với Quyền Giáo Dục Của Thanh Thiếu Niên Lgbt Ở Việt Nam được cập nhật mới nhất trên website 2atlantic.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
Tóm tắt
Thanh thiếu niên thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới ở Việt Nam phải đối mặt với nạn kỳ thị và hắt hủi ở nhà cũng như ở trường. Dù trong những năm gần đây chính phủ Việt Nam đã có những cam kết đáng kể nhằm công nhận các quyền của những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) nhưng các tiến bộ hữu hình vẫn ít hơn nhiều so với lời hứa, và khoảng cách giữa chính sách và thực tế nói trên làm nhức nhối những người trẻ tuổi.
Có lẽ thay đổi pháp lý có tác động lớn nhất bao gồm việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2014, và Luật Dân sự vào năm 2015. Trong năm 2014, Quốc hội Việt Nam loại bỏ hôn nhân đồng tính ra khỏi danh sách các quan hệ hôn phối bị cấm; tuy nhiên, việc sửa đổi này chưa dẫn đến sự công nhận pháp lý đối với các mối quan hệ cùng giới. Năm 2015, Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật Dân sự để loại bỏ điều khoản cấm người chuyển giới được thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý; tuy nhiên, nội dung luật sửa đổi chưa đưa ra được một quy trình minh bạch và thuận lợi đối với việc thay đổi giới tính trên giấy tờ pháp lý.
Và dù các lời tuyên bố và các thay đổi nói trên là chỉ dấu cho một tương lai nhiều hứa hẹn cho những người LGBT ở Việt Nam, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đáng kể. Chính phủ Việt Nam vừa có vị thế vừa có trách nhiệm phải giải quyết các vấn đề này.
Có bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt đó đã gây ra hậu quả tai hại. Như được ghi nhận trong bản phúc trình này, thanh thiếu niên nhận thức rõ ràng về niềm tin phổ biến rằng sự hấp dẫn đồng tính là một chứng bệnh tâm lý có thể chẩn đoán được. Thất bại của chính phủ Việt Nam trong việc khắc phục thông tin sai lệch này khiến luận điểm đó tiếp tục lan truyền vô tội vạ. Niềm tin phổ biến nói trên đã có những tác động đáng kể đến cuộc sống của những thanh thiếu niên LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, từ trở thành nguyên nhân chính của tình trạng kỳ thị và sách nhiễu, đến việc các bậc cha mẹ đưa con là người đa dạng tính dục đến gặp các chuyên gia sức khỏe tâm lý để tìm cách chữa trị. Ngay cả những thanh thiếu niên sau này xác định họ là người đa dạng tính dục cũng ghi nhận rằng họ lớn lên cùng các định khuôn và thông tin sai lệch về bản thân và về những người khác. Trong một số trường hợp, những kiến thức sai lầm đó đã nuôi dưỡng sự thù ghét, thậm chí bạo lực đối với những người LGBT.
Do thiếu vắng thông tin từ các nguồn chính thức, thanh thiếu niên Việt Nam phải đi tìm những thông tin chính xác và tích cực về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở những nơi khác. Một số sinh viên kể lại việc họ tìm kiếm thông tin từ các nguồn không chính thức – đặc biệt là tìm kiếm và tra cứu trên mạng internet. Dù việc tìm ra được thông tin tích cực bằng các cách nói trên cũng đáng khích lệ, nhưng các thông tin đó không thể đầy đủ và thậm chí không tiếp cận được đối với rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam.
Trong các trường học Việt Nam, tình trạng sách nhiễu bằng lời nói đối với học sinh LGBT rất phổ biến. Học sinh từ nhiều loại trường học khác nhau – ở đô thị và nông thôn, công lập cũng như tư thục – kể với chúng tôi rằng nhiều học sinh và giáo viên sử dụng những từ ngữ miệt thị để nói về những người LGBT, đôi khi nhằm vào chính họ, kèm theo những lời đe dọa bạo lực. Các nghiên cứu khác, trong đó có nghiên cứu của các cơ quan Liên hiệp quốc và của một số nhóm người Việt, cũng xác thực ý kiến này.
Dù ít xảy ra hơn, một số thanh thiếu niên LGBT cũng cho biết đã bị bạo hành thân thể. Ví dụ như, một người trả lời phỏng vấn nói: “[Việc bắt nạt] đa phần là bằng lời, nhưng có một lần cháu bị năm sáu thằng đánh hồi cháu học lớp tám – chỉ vì chúng không ưa ngoại hình của cháu.” Điểm tương đồng giữa các vụ xâm hại bằng lời nói và bạo hành cơ thể là sự thiếu vắng phản ứng nhất quán từ phía nhân viên nhà trường, và tình trạng thiếu niềm tin của học sinh vào sự hiện diện của cơ chế giải quyết các vụ bạo hành và kỳ thị.
Đa số các thanh thiếu niên LGBT là những người đã trải nghiệm tình trạng bị bắt nạt ở học đường được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn nói rằng các em không thấy yên tâm khi báo cáo những vụ việc đó với nhân viên nhà trường. Nguyên nhân của việc đó, trong một số trường hợp, là cách hành xử đầy định kiến, công khai của nhân viên; trong nhiều trường hợp khác, là do học sinh có ý nghĩ rằng việc phải nhờ cậy những người lớn can thiệp sẽ không an toàn.
Và ngay cả trong những trường hợp học sinh không bị xâm hại bằng lời nói hay bạo hành thân thể, nhiều em cho biết rằng gia đình, bạn bè và thầy cô giáo, vừa trực tiếp lẫn gián tiếp, áp đặt các thông lệ xã hội về dị tính luyến ái và người hợp giới. Việc này xảy ra trong lớp học khi các giáo viên gọi những quan hệ không phải là luyến ái dị giới hướng tới sinh đẻ là “phi tự nhiên” hay khi cha mẹ dọa con mình bằng bạo lực, ruồng bỏ hay đưa đi chữa trị nếu đứa con thể hiện là đồng tính nam hay đồng tính nữ.
Thanh thiếu niên LGBT bị bắt nạt hay cô lập ở học đường phải chịu hàng loạt tác động tiêu cực. Như bản phúc trình này ghi nhận, các em cảm thấy căng thẳng vì bị bắt nạt và sách nhiễu, và tình trạng căng thẳng đó ảnh hưởng tới khả năng học tập. Một số học sinh nói rằng do bị bắt nạt vì xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình khiến các em trốn lớp hoặc nghỉ hẳn ở nhà.
Các thanh thiếu niên LGBT không đơn độc trong việc nhận biết và đẩy lùi tình trạng ngược đãi nhằm vào họ. Nhiều bậc cha mẹ có con là thanh thiếu niên LGBT cũng bắt đầu nhận lấy vai trò phải hành động vì sự đa dạng và dung hợp, và đứng ra tổ chức các hội thảo phổ biến thông tin khắp đất nước, và tình nguyện tư vấn cho các bậc phụ huynh đồng cảnh, những người lớn lên và được dạy dỗ trong một hệ thống giáo dục coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh.
Trong một sự kiện nghệ thuật, là một phần của ngày hội của người đồng tính Hanoi Pride năm 2019, một nhóm các nhà hoạt động và nghệ sĩ đã trưng bày một cuộc triển lãm tìm hiểu về lịch sử đa dạng tính dục ở Việt Nam qua nhiều từ ngữ miệt thị đã được cộng đồng LGBT cải tạo trong những năm gần đây. Những người tổ chức hy vọng rằng “xã hội sẽ có hiểu biết tốt hơn để, khi chúng ta sử dụng những từ này, chúng ta hiểu rõ định nghĩa của chúng.” Cuộc triển lãm đề cao một mục tiêu đơn giản mà quan trọng: phá bỏ một số hiểu biết sai lệch cơ bản, dẫn đến tình trạng vi phạm nhân quyền của những người LGBT – nhất là thanh thiếu niên – ở Việt Nam ngày nay.
Chính phủ Việt Nam có một số điều luật cấm kỳ thị và bảo đảm quyền giáo dục đối với tất cả trẻ em. Chính phủ cũng đưa ra tuyên bố sẽ theo xu hướng toàn cầu về tôn trọng quyền của những người LGBT, là các tín hiệu về ý chí chính trị nhằm thực hiện những thay đổi cần thiết để thực sự bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới, tại các cơ sở giáo dục cũng như trong toàn xã hội. Những bước đi đầu tiên phải có cả việc sửa đổi lại quan niệm cố hữu phổ biến rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh và cần được chữa trị.
Khuyến nghị
Đối với Quốc hội Việt Nam
Sửa đổi lại Luật Bình đẳng Giới năm 2006 để có các điều khoản cụ thể nhằm bảo vệ bản dạng giới và thể hiện giới tính
Sửa đổi lại Luật Hôn nhân và Gia đình để cho phép các cặp vợ chồng đồng tính được công nhận đầy đủ về pháp lý.
Phê chuẩn Công ước Chống Kỳ thị trong Giáo dục của UNESCO.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đề xướng và thực thi các tài liệu hướng dẫn về giảng dạy giáo dục giới tính toàn diện, cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ký kết Bản Kêu gọi của UNESCO về Hành động đối với bạo lực nhằm vào người đồng tính và chuyển giới, để thể hiện cam kết của Bộ về cải cách chính sách nhằm bảo vệ học sinh, sinh viên LGBT.
Minh xác rằng Quyết định 2018 về tư vấn tâm lý tại học đường do Bộ GD-ĐT ban hành có đối tượng áp dụng bao gồm cả các học sinh, sinh viên LGBT và chỉ thị việc thực hiện quyết định nói trên có bao gồm giảng dạy về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Ngay lập tức tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn bắt buộc cho tất cả các giáo viên về giới tính và tính dục, bao gồm cả nội dung về sức khỏe tình dục, và các thông tin chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Ban hành một văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục về các biện pháp cụ thể cần thực hiện nhằm phòng chống sách nhiễu và kỳ thị tại học đường.
Đưa các học phần về xu hướng tính dục, bản dạng giới và nhân quyền vào các chương trình giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học sư phạm.
Đối với Bộ Y tế
Chính thức công bố, theo chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, rằng có ham muốn tính dục với người đồng giới không phải là một chứng bệnh tâm thần chẩn đoán được.
Ban hành một văn bản hướng dẫn rằng tất cả các tài liệu giảng dạy về y khoa ở tất cả các cấp, bao gồm cả cho các chuyên gia về sức khỏe tâm thần, phải điều chỉnh lại để ghi nhận rằng việc thấy hấp dẫn tính dục đồng giới là một biến thể tự nhiên trong các hành vi của con người.
Chính thức áp dụng Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế phiên bản 11 của Tổ chức Y tế Thế giới, chú trọng đặc biệt tới chương mới về sức khỏe tình dục, trong đó đã cập nhật các tiêu chuẩn chẩn đoán đối với người chuyển giới.
Đối với Bộ Ngoại giao
Cố vấn cho chính phủ mời các chuyên gia độc lập của Liên hiệp quốc về bảo vệ chống kỳ thị và bạo hành có nguyên nhân từ xu hướng tính dục và bản dạng giới đến thăm Việt Nam và tư vấn về các tiến bộ của chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực quyền của người LGBT và các bước tiếp theo.
Phương pháp nghiên cứu
Các nhân viên của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và một cố vấn đã tiến hành nghiên cứu cho bản phúc trình này trong giai đoạn từ tháng Năm năm 2018 đến tháng Ba năm 2019 tại Việt Nam.
Các nghiên cứu viên đã thực hiện 59 cuộc phỏng vấn, bao gồm 12 cuộc với trẻ em dưới 18 tuổi được xác định là thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới tính; 40 cuộc với những người thuộc các nhóm thiểu số về tính dục và giới tính trong độ tuổi từ 18 đến 23 về các trải nghiệm thời niên thiếu của họ; và 7 cuộc với các giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường và phụ huynh.
Theo luật Việt Nam, một người được coi là trưởng thành khi đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, trong phạm vi bản phúc trình này, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền coi tất cả những người dưới 18 tuổi là trẻ em, theo định nghĩa “trẻ em” trong Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Trẻ em. Ủy ban về Quyền Trẻ em, cơ quan thẩm quyền của Liên hiệp quốc có chức năng giám sát việc thực hiện công ước nói trên của các quốc gia, đã kêu gọi Việt Nam sửa đổi luật pháp cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Những người trả lời phỏng vấn không được trả tiền thù lao. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có thanh toán chi phí di chuyển bằng phương tiện công cộng cho những người trả lời phỏng vấn để đến gặp những người trong nhóm nghiên cứu tại các địa điểm an toàn, kín đáo. Một số cuộc phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt có phiên dịch trực tiếp, tại chỗ sang tiếng Anh; một số cuộc khác được thực hiện bằng tiếng Anh; và một số cuộc do một người nói tiếng Việt thực hiện, sau đó được đánh máy lại và dịch ra tiếng Anh. Tất cả các cuộc phỏng vấn với những người đã trải nghiệm tình trạng bị bắt nạt tại học đường được tiến hành riêng, mỗi lần chỉ thực hiện với một người trả lời phỏng vấn.
Trong phúc trình này, chúng tôi không sử dụng tên thật của những người trả lời phỏng vấn. Tất cả những thông tin xác định cá nhân của những người trả lời phỏng vấn như nơi sinh sống và học tập, tên trường học, đã được chủ động tránh đề cập nhằm bảo vệ sự riêng tư của những người trả lời phỏng vấn. Những người tham gia đã học tập ở cả hai loại trường công và trường tư, có một số người đã chuyển trường qua lại giữa cả hai hệ thống. Dù đa số các thanh thiếu niên tham gia trả lời phỏng vấn lớn lên và đi học tại các trung tâm đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ hay Đà Nẵng, có 16 em tham gia trả lời phỏng vấn cho dự án này đã đi học ít nhất là một phần của chương trình cấp hai hay trung học ở các tỉnh, vùng nông thôn, trong đó có Bắc Giang, Hải Dương, Đồng Nai, Hà Giang, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Lào Cai, Nam Định, Quảng Ninh, Hưng Yên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, và Thái Bình.
I. Thanh thiếu niên và người đa dạng tính dục ở Việt Nam
Tôi không thấy an toàn ở trường học. Trước khi tôi công khai giới tính, các bạn cùng lớp không biết vì tôi khéo giấu kín. Và tôi biết nếu công khai ra, tôi sẽ thường xuyên bị nhắm vào, nhưng tôi vẫn quyết định làm thế, vì sống không đúng với bản thân và giới tính thật của mình rất bức bối.
—Khanh, người chuyển giới nam 22 tuổi, tháng Giêng năm 2019
Các thanh, thiếu niên được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn trong phúc trình này kể lại cho chúng tôi về các nỗ lực thể hiện bản thân, giữ an toàn và tiếp cận thông tin trong thời niên thiếu, khi họ bắt đầu thấy khác biệt và nhận ra xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình.
Gần như tất cả những người được phỏng vấn đều nói các em bắt đầu thắc mắc và khám phá về giới tính của chính mình, hay có cảm giác bị hấp dẫn tình cảm với người cùng giới từ khi còn nhỏ; một số em nói đã biết rằng mình không phải là người dị tính luyến ái hay người hợp giới ngay từ khi mới lên 4 tuổi. Đối với đa số các em, những nỗi khó khăn đầu tiên, theo lời giải thích của chính họ, không phải đến từ việc chấp nhận sự khác biệt đó của bản thân, mà là quá trình tìm kiếm thông tin về giới tính và tính dục ngược lại với dòng chính lưu đầy các định khuôn, thông tin sai lệch và diễn ngôn đối nghịch với LGBT.
iSEE, một tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực quyền của người LGBT, nhận định qua một cuộc khảo sát hơn 2,300 người LGBT vào năm 2015 rằng, hai phần ba trong số những người từng đi học đã chứng kiến các phát ngôn thù nghịch với LGBT từ phía bạn bè, và một phần ba đã chứng kiến lối hành xử tương tự từ các giáo viên, nhân viên nhà trường. Một nghiên cứu năm 2012 của CCIHP, một NGO khác ở Việt Nam, cho thấy rằng hơn 40 phần trăm thanh thiếu niên LGBT tham gia nghiên cứu – có độ tuổi trung bình là 12 tuổi – đã từng bị bạo hành hay kỳ thị ở học đường.
Quyền của người LGBT ở Việt Nam
Xét cả quá trình lịch sử, xu hướng tính dục và bản dạng giới không được quan tâm mấy trong luật pháp và chính sách của Việt Nam. Cuộc vận động xã hội dân sự trong thập niên vừa qua đã mang lại những thành quả đầy ý nghĩa về sự xuất hiện công khai và những kết quả về quyền của người LGBT.
Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc công nhận quyền của người LGBT. Trong số những thay đổi về pháp luật có tác động lớn nhất chắc phải kể đến những sửa đổi đối với Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 và Luật Dân sự năm 2015.
Trước những năm cuối thập niên 1990, khái niệm “vợ chồng” trong pháp luật Việt Nam không loại trừ cụ thể sự tồn tại của các cặp đồng tính. Sau khi có hai đám cưới đồng tính được công luận chú ý trong hai năm 1997 và 1998, Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình vào năm 2000 để quy định cụ thể rằng các đám cưới đồng tính là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, dù đã có những tiến bộ hữu hình, những người trẻ tuổi vẫn nhận thấy rõ sự thiếu vắng cơ chế bảo vệ và các chương trình chủ động cho người LGBT ở Việt Nam, như được ghi nhận trong phúc trình này. Trong một bản phúc trình năm 2017 về môi trường pháp lý đối với người LGBT ở Việt Nam, iSEE ghi nhận rằng các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ pháp lý của chính phủ bị thiếu hụt, khiến người LGBT ở Việt Nam phải tìm kiếm những ý kiến không chính thức từ các NGO. Hơn nữa, như iSEE nhận xét, chỉ có một phần ba những người LGBT thành niên nói rằng họ biết tìm nguồn tư vấn và khiếu nại ở đâu khi các quyền của mình bị xâm phạm.
Trong buổi diễu hành Hanoi Pride năm 2019, một nhóm các nhà hoạt động và nghệ sĩ đã trưng bày triển lãm “Từ PêĐê tới Buê Đuê” giới thiệu tiến trình phát triển của cộng đồng LGBT Việt Nam thông qua ngôn ngữ. “Cộng đồng chúng ta đã tiến rất xa, chúng ta phát triển vượt qua tất cả những sự thù ghét và kỳ thị nhắm thẳng vào chúng ta,” những người tổ chức viết trong tập kèm theo triển lãm.[19] Mục tiêu của triển lãm là phơi bày các thuật ngữ từng bị dùng để nhục mạ và đã được cộng đồng đa dạng tính dục cải tạo và sử dụng lại trong những năm gần đây. Những người tổ chức hy vọng rằng “xã hội sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn, để khi chúng ta sử dụng những từ ngữ này, chúng ta có thể hiểu đầy đủ.” Đó là một nhiệm vụ đơn giản nhưng quan trọng. Như bản phúc trình này ghi nhận, hiểu biết sai sự thật và định khuôn tiêu cực là các yếu tố góp phần nuôi dưỡng sự vi phạm nhân quyền đối với những người LGBT ở Việt Nam ngày nay.
Thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản dạng giới
Tôi lên mạng. Tôi cũng kết bạn trong cộng đồng LGBT và đặt các câu hỏi từng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi rất hào hứng được biết thêm những thông tin mới và dần nhận ra rằng đó không phải là một căn bệnh.
—Sinh, một người đàn ông lưỡng tính 23 tuổi, tháng Chín năm 2018
Rất nhiều người ở Việt Nam tin rằng cảm giác hấp dẫn đồng giới là một chứng bệnh tâm thần có thể chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi. Niềm tin sai lầm này bắt nguồn từ một thực tế là các hiệp hội y tế chuyên ngành và chính phủ không có giải pháp hữu hiệu để lan truyền được sự thật rằng cảm giác hấp dẫn đồng giới là một biến thể tự nhiên của tâm sinh lý con người.
Những nhà nghiên cứu đã phân tích rằng Việt Nam chưa bao giờ chính thức công nhận quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh có thể chẩn đoán được vào năm 1969, vì thế chính phủ Việt Nam chưa từng chính thức loại bỏ quan điểm chẩn đoán cũ, như nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã làm khi WHO công bố đưa đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách các loại bệnh vào năm 1990. Tuy nhiên, dù quan điểm chẩn đoán đồng tính luyến ái như một loại bệnh có vẻ chưa từng được chính thức xuất hiện trên giấy tờ ở Việt Nam, nhưng cách chính phủ đối xử với đồng tính luyến ái như một dạng hành vi biến thái, kết hợp với việc các nhân vật của công chúng trong ngành y tế cứ tiếp tục giải thích đồng tính luyến ái như một căn bệnh, khiến nhiều người dân vẫn tin chắc rằng đó là một dạng bệnh lý. Nhà nhân chủng học Natalie Newton, chuyên gia nghiên cứu văn hóa đa dạng tính dục và các phong trào nhân quyền ở Việt Nam, giải thích rằng:
Hiện tượng chung của quan niệm bệnh lý hóa đồng tính luyến ái ở Việt Nam cũng không khác với phương Tây hay các vùng khác trên thế giới. Tuy nhiên, cách thức các cơ sở y tế, Nhà nước và các dự án NGO tranh biện với nhau về vấn đề đồng tính luyến ái thì rất đặc thù, trong bối cảnh lịch sử đương đại riêng biệt của Việt Nam…
Bà Newton đã trình bày rằng hàng loạt chế độ pháp lý ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950, đã coi đồng tính luyến ái là một thứ “tệ nạn xã hội,” và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam thường dùng khái niệm “gián tiếp làm băng hoại đạo đức xã hội.” Theo Newton, ““Tệ nạn xã hội” là một thuật ngữ rộng thường được nhà nước và các cấp chính quyền địa phương định danh và vận dụng thành công cụ để kiểm soát xã hội ở nhiều tầng lớp, nhiều lĩnh vực, trong đó có đồng tính luyến ái.” Bà viết rằng:
Nghiên cứu của Newton ghi nhận hiện tượng các nhân vật công chúng, từ các nhà thơ tới các chuyên gia tâm lý, vẫn duy trì quan điểm cho rằng đồng tính luyến ái là một căn bệnh. Có một thực tế là các tổ chức y tế chuyên môn và bộ y tế vẫn giữ im lặng, khiến ý kiến cho rằng đó là một dạng bệnh vẫn nổi trội. Hậu quả của nó là các bậc phụ huynh và thầy cô không được trang bị đầy đủ thông tin và thanh thiếu niên có những mối băn khoăn về xu hướng tính dục và bản dạng giới bị cô lập và phải đối mặt với những rào cản lớn khi muốn tiếp cận thông tin chính xác.
Khi học sinh, sinh viên LGBT gặp phải sự thù nghịch ở nhà hay trong các nhóm bạn, việc tiếp cận được thông tin và nguồn trợ giúp đồng cảm trở nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên rất ít thanh thiếu niên LGBT được chúng tôi phỏng vấn cảm thấy rằng nhà trường đã tạo đủ điều kiện cho các em tiếp cận thông tin và các nguồn trợ giúp về xu hướng tính dục, bản dạng giới và việc là LGBT.
Để hiểu được tính dục của bản thân và chọn lựa một cách có trách nhiệm, các học sinh, sinh viên LGBT, cũng như các em khác, cần tiếp cận được thông tin về tính dục không mang tính phán xét và bao quát đầy đủ các cung bậc của tính dục loài người. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chương trình giáo dục giới tính. Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã hướng tới việc cung cấp một chương trình giáo dục giới tính toàn diện. Theo Hướng dẫn Kỹ thuật Quốc tế về Giáo dục Giới tính của UNESCO, giáo dục giới tính toàn diện “là một tiến trình dựa trên giáo trình giảng dạy và học tập về các khía cạnh xã hội, sinh lý, cảm xúc và nhận thức của tính dục. Nó nhằm trang bị cho thanh thiếu niên kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị nhằm mang lại sức mạnh để họ: nhận thức được về sức khỏe, phúc lợi, và nhân phẩm của mình; phát triển các mối quan hệ tình dục và xã hội được tôn trọng; cân nhắc việc lựa chọn của họ sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của chính họ và những người khác như thế nào; hiểu và đảm bảo sự bảo vệ các quyền của họ trong cuộc đời.” Trong khuôn khổ chương trình giáo dục giới tính toàn diện, tất cả các học sinh, sinh viên, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới, cần phải được tiếp cận các tài liệu thích hợp về sự phát triển tâm sinh lý, các mối quan hệ và tình dục an toàn.
Kế hoạch Chiến lược Phát triển Giáo dục (2009 – 2020) của Việt Nam đặt vấn đề cần sửa đổi chương trình giảng dạy để có các học phần về “giáo dục công dân, kỹ năng sống, sức khỏe tình dục, giới tính và giáo dục về HIV – AIDS.”[24] Tuy nhiên, thông tin không chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn tràn ngập ở Việt Nam. Trong bản báo cáo năm 2014 về quyền của người LGBT ở Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) viết:
Các bằng chứng được đưa ra trong bản phúc trình này khẳng định kết quả đánh giá vào năm 2014 của UNDP về hiện trạng CSE ở Việt Nam và nhấn mạnh tính cấp thiết của các chương trình cải cách đang được triển khai. Đối với những thanh thiếu niên có câu hỏi về giới tính và tính dục – trong đó có các câu hỏi về những vấn đề sức khỏe tình dục quan trọng – điều này có nghĩa là các em phải tự tìm kiếm trên mạng internet thay vì có thể trông cậy vào các nguồn đáng tin cậy và đã được sàng lọc về mặt khoa học.
Ví dụ như, Đức, một người đồng tính nam 22 tuổi ở Hà Nội, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về lần đầu tiên em nghe nói tới đồng tính luyến ái ở trường học: “Một lần trong giờ sinh học lớp 9, chúng em đang học về giới tính và cô giáo nhắc tới đồng tính luyến ái với các từ ngữ miệt thị, nói rằng đó là điều phi tự nhiên, và mọi người cần phải sợ.”[26] Một vài tuần trước giờ học đó, Đức nói, em đã xem một cuốn phim trong đó có nhân vật đồng tính nam, khiến em muốn tìm hiểu thông tin về đồng tính luyến ái trên mạng. Quá trình đó đã giúp em bắt đầu hiểu về các cảm giác của chính mình và không bị ảnh hưởng bởi các lời nhận xét của giáo viên. “Em đã tìm hiểu về LGBT và biết rằng đó là xu hướng tự nhiên, không phải là một loại bệnh. Nên khi cô giáo nói thế, em chỉ bỏ qua – em nghĩ rằng thế là do cô thiếu thông tin hoặc có thông tin sai,” Đức nói.
Đức nghĩ rằng các giáo viên của Đức có nghi ngờ em là đồng tính nam, do cử chỉ và phong cách của em. Nhưng ngay cả khi một giáo viên khác đưa ra tiếng nói bảo vệ Đức, thì ý kiến của cô lại thể hiện sự thiếu hiểu biết và chuyển tải một thông điệp có hại: “Khi cô giáo chủ nhiệm lớp nói chuyện với cả lớp vào cuối tuần, cô nhắc các bạn không trêu chọc em,” em nói. Cô giáo giải thích với lớp rằng hãy để cho Đức yên, “vì theo bài đã học trong lớp sinh học, các em biết rằng có những người như thế [đồng tính luyến ái] và một ngày nào đó họ có thể thay đổi.”
Hạn chế về nguồn lực và thiếu tập huấn cho giáo viên
Một chướng ngại vật đối với việc cải thiện điều kiện cho học sinh LGBT trong các trường học ở Việt Nam nằm ở thực tế thiếu các giáo viên và chuyên gia tư vấn được đào tạo đầy đủ để hỗ trợ đúng mức cho các học sinh LGBT, phần nào phản ánh thực tế chung về tình trạng hạn chế nguồn lực của các trường học. Trong bản đánh giá năm 2012, Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc đã đưa ra nhận xét với quan ngại về “năng lực giáo viên thấp” ở các trường học của Việt Nam.
Trong bản phúc trình năm 2016 về giáo dục, UNICEF và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ghi nhận rằng, trong khi tỷ lệ sinh viên trên giáo viên đã giảm xuống ở gần như tất cả mọi địa phương trong nước, đa số giáo viên – đặc biệt là ở các vùng nông thôn – vẫn bị quá tải và chưa được đào tạo đầy đủ về các nhiệm vụ được giao. Bản phúc trình viết:
Một mảng bị thiếu hụt trầm trọng là các chuyên gia tư vấn (counselor) tại học đường. Trong những năm gần đây, các khảo sát cho thấy tình trạng thiếu niềm tin của học sinh vào dịch vụ tư vấn học đường ở những trường học có cung cấp dịch vụ đó. Các nghiên cứu khác đã làm rõ tình trạng thiếu các chuyên gia tư vấn được đào tạo đầy đủ ở các trường học – đặc biệt là khi cần trợ giúp các học sinh thiểu số và các em có tình trạng sức khỏe tâm thần. Một thông tư do Bộ Giáo dục ban hành năm 2017 ghi nhận rằng các vị trí tư vấn/cố vấn trong trường thường do các giáo viên kiêm nhiệm bán thời gian và nói chung đều bị quá tải; với cơ cấu 28 tiết dạy mỗi tuần, người giữ vị trí đó thường được cắt ra ba hoặc bốn tiết một tuần để làm nhiệm vụ tư vấn. UNICEF và Bộ Lao động đã nêu rõ trách nhiệm của chính phủ đối với việc nâng cao năng lực và quyền hạn của giáo viên: “[Các] nguồn lực cần được phân bổ để hỗ trợ sự phát triển của mạng lưới chuyên gia tư vấn và/hoặc công tác xã hội tại trường học, và hỗ trợ giáo viên về chăm sóc và bảo vệ trẻ em để giảm thiểu bạo lực nhằm vào trẻ em ở học đường.”
Giáo viên phát tán thông tin sai lệch
Tôi chưa bao giờ được dạy về LGBT…Có rất ít người nghĩ rằng điều đó là bình thường.
—Tuyến, một phụ nữ luyến ái song tính 20 tuổi, tháng Giêng năm 2019
Ví dụ như, Tuyết, một phụ nữ song tính, 18 tuổi, nói rằng: “Các thầy cô giáo ở trường trung học của em nói những điều không tốt về người LGBT. Trong một lớp dạy về hôn nhân và gia đình, giáo viên nói rằng “Đồng tính luyến ái là một dạng bệnh hoạn và rất xấu.”[35] Quân, một nam đồng tính 18 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng giáo viên môn sinh ở trường trung học của em nói với lớp rằng “LGBT là một loại bệnh” và “những người LGBT cần đi khám bác sĩ và tiêm nội tiết tố nữ.” Quân nói rằng giáo viên đó kể một câu chuyện cá nhân về vấn đề này: “Thầy cứ nói đi nói lại về chuyện đó, vì thầy có hai đứa con, và gần nhà thầy có một cậu bé thích mặc đồ con gái.” Quân nói rằng giáo viên kể câu chuyện đó theo cách gợi ý rằng các con thầy cần được bảo vệ tránh xa khỏi những người như thế.
Sinh, 23 tuổi
Khi học lớp 10, Sinh thích một cậu con trai khác. Sinh cảm thấy bối rối và nghĩ rằng mình hẳn có vấn đề sai trái gì đó. Khi mẹ Sinh phát hiện ra điều này, bà phản ứng vô cùng dữ dội. Bà khóc lóc và đưa cậu đến gặp bác sĩ tâm lý. Bà bảo Sinh rằng cậu “bị ốm, mắc bệnh.” Sinh nói với mẹ mình là người song tính luyến ái, và bà hỏi Sinh tại sao cậu lại bất bình thường thế. Ở trường, giáo viên sinh học của Sinh dạy cả lớp rằng tình yêu chỉ có thể xảy ra giữa đàn ông và đàn bà, và chỉ có đàn ông cùng với đàn bà mới có thể tạo ra các gia đình tốt vì họ có thể sinh con.
© 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Những người khác kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền các phiên bản khác của câu chuyện tương tự. Phổ biến nhất là chuyện về giáo viên sinh học nói với học sinh rằng đồng tính luyến ái là phi tự nhiên hoặc là một loại bệnh. Giang, 22 tuổi, nói “Một lần trong giờ sinh học lớp 9, chúng em đang học về giới tính và giáo viên nhắc đến đồng tính luyến ái, nói rằng đó là điều phi tự nhiên và học sinh cần phải e sợ, với các từ ngữ miệt thị.”[37] Sinh, 23 tuổi, nói rằng: “Giáo viên sinh học của em nói rằng tình yêu chỉ có thể xảy ra giữa người nam với người nữ. Chỉ có một nam một nữ mới có thể tạo nên một gia đình tốt vì họ có thể sinh con.”
Nhưng những ý kiến như vậy không chỉ giới hạn trong giờ dạy sinh học. Một học sinh kể rằng giáo viên môn xã hội học nói, “Có những người đồng tính luyến ái và họ chạy theo trào lưu đồng tính.”[39] Phương, một học sinh 17 tuổi, giải thích:
Cô giáo dạy hóa hình như không ưa những người đồng tính. Cô nói với lớp em rằng có một học sinh đồng tính nam ở lớp khác, và cô không hiểu tại sao lại có những người như thế.
Cũng như câu chuyện của Đức, sự bao dung từ các giáo viên, nhân viên trong trường học thường đi kèm với quan niệm sai lệch về bản chất của sự hấp dẫn đồng giới. Tui, 17 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “[Giáo viên] nói rằng có cách chữa khỏi bệnh đó. Nhưng cùng lắm là nếu cố gắng chữa trị mà vẫn không khỏi thì cũng chẳng sao – chỉ nên thấy xấu hổ thôi.”
Dù dự án này chỉ tập trung vào trải nghiệm của các em học sinh ở trường học Việt Nam và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền không có dự định ghi nhận góc nhìn của giáo viên, chúng tôi có phỏng vấn một thầy giáo, tên là Hòa, từng dạy môn sinh học 20 năm ở cấp trung học, về vấn đề này. Ông khẳng định với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng vấn đề LGBT không được đưa vào giáo trình ở trường mình. Ông giải thích:
Thầy Hòa cũng nói rằng khi trò chuyện với các đồng nghiệp khác, “nhiều người vẫn coi LGBT là một căn bệnh hay một hiện tượng bất thường” do đó “khiến họ không biết cách đối xử với học sinh LGBT như thế nào.” Nếu không tập huấn cho giáo viên về vấn đề và căn cước LGBT, các định khuôn và thông tin sai lầm sẽ lan truyền không kiểm soát được.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều học sinh đã xác nhận rằng sự hấp dẫn đồng giới bị che phủ trong im lặng. Ví dụ như, Thám, một học sinh 17 tuổi nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng không một thầy cô nào của em từng nhắc đến xu hướng tính dục và bản dạng giới. Thám kể lại một chuyện:
Ở lớp chín, chúng em phải làm thuyết trình về tình yêu và quan hệ cho lớp Giáo dục Công dân. Giáo viên nói rõ với chúng em rằng chúng em chỉ có thể trình bày về tình yêu giữa nam và nữ, chứ không phải một dạng tình yêu nào khác.
Thiếu vắng thông tin trong các nguồn chính thức
Em phải mất hơn một tiếng đồng hồ giải thích [cho chuyên gia tư vấn ở trường] về LGBT. Nếu họ [các chuyên gia] đã biết về LGBT thì tốt hơn rất nhiều và họ có thể giúp được nhiều người hơn.
—Ngọc, một người chuyển giới nam 22 tuổi, tháng Hai năm 2019
Trong báo cáo năm 2014 của mình, UNDP viết:
Ngay cả khi các bài giảng về tình dục được đưa vào, thì nội dung đó cũng thường được đặt ở phần cuối cùng của sách giáo khoa và bị các nhà giáo bỏ qua. Do vậy, học sinh không được giảng dạy về SOGI hay tôn trọng sự đa dạng. Các học sinh LGBT ở hầu hết các trường đều không được trang bị các kiến thức cơ bản hay được trợ giúp về vấn đề SOGI từ các giáo viên hoặc các dịch vụ ở trường như các chuyên gia tư vấn, nhân viên y tế, hay từ các nguồn lực khác.
Các học sinh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đều đặc biệt lo lắng trước tình trạng thiếu thông tin về xu hướng tính dục và bản dạng giới trong sách giáo khoa. “Hồi ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, em chưa từng được nghe về SOGI từ các giáo viên,” Hằng, 22 tuổi, cho biết. “Không có giáo dục tình dục. Trong lớp sinh học chúng em chỉ học những gì có trong sách. Thầy cô giáo không bao giờ nhắc đến LGBT.”
Minh, 23 tuổi, nhận xét:
Trong lớp sinh học thì sách giáo khoa không hề nhắc đến LGBT. Vậy nên nếu giáo viên có quyết định giảng về vấn đề này thì các thầy cô cũng phải tự chuẩn bị. Nếu giáo viên lựa chọn dạy về tình dục dù chỉ một chút, thì cũng là cách tân rồi.
Trong một nghiên cứu y tế công cộng năm 2014, khảo sát hơn 1.600 học sinh ở các trường trung học của Việt Nam về các nguồn thông tin dẫn tới hiểu biết về tình dục của các em, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng “dù nhiều người tham gia tin rằng các em có hiểu biết về tình dục, chỉ một số ít thực sự có kiến thức chính xác về tình dục.”[48] iSEE đã ghi nhận được các trường hợp trong đó giáo viên buộc học sinh phải loại bỏ các thông tin khoa học về tính dục khỏi các bài trình bày trong lớp với lý do, như một cô giáo nói “điều đó sẽ khuyến khích các em học sinh trở thành đồng tính.”
Các chính sách và việc triển khai giáo dục giới tính ở Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu theo khuyến nghị của đặc sứ của Liên hiệp quốc về giáo dục, các cơ quan công ước, và UNICEF, nhất là về khía cạnh phải đưa vào các thông tin về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Cách hiểu đồng tính luyến ái như một chứng bệnh tâm thần
Có rất nhiều sức ép đối với trẻ em phải trở thành người luyến ái dị tính. Luôn luôn có những thông tin tham chiếu gợi ý rằng có rung động với người đồng giới là một triệu chứng có thể và cần được thay đổi và được chữa trị.
—Một chuyên gia tư vấn ở trường học tại Hà Nội, tháng Chín năm 2019
Chỉ vài tháng trước khi Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn Lành, một nữ sinh song tính đang học trung học năm cuối, điện thoại của em bị nhân viên nhà trường thu giữ. “Cô giáo mời cha mẹ em đến gặp. Cô nói về việc học hành của em ở trường, và cũng nhắc đến việc em thích các bạn nữ,” Lành nói. “Cô bảo cha mẹ đưa em đi đến bác sĩ khám kiểm tra giới tính.” Lành không có mặt trong phòng lúc cô giáo nói điều này với cha mẹ em, nhưng, như lời em kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “Sau đó, cha mẹ nói với em khi về nhà rằng: ‘Cô giáo nói với bố mẹ con là ô môi. Con phải đi bác sĩ khám thôi.’”[51]
Những người trả lời phỏng vấn khác thì mô tả về tình trạng phổ biến của quan niệm tin rằng sự rung động với người đồng giới là một triệu chứng tâm thần có thể chẩn đoán được. Tính phổ biến của niềm tin nói trên đã ảnh hưởng đáng kể đến đời sống những thanh thiếu niên LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn, từ mức độ là căn nguyên của sự kỳ thị và sách nhiễu, cho tới, như trong trường hợp của Lành, việc cha mẹ đưa con cái là người đa dạng tính dục tới gặp chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm cách chữa trị. Một chuyên gia tư vấn ở trường học, làm việc cho một mạng lưới các trường tư thục ở cả ba cấp tại Hà Nội kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Nhiều khi các giáo viên tìm đến tôi và hỏi: ‘Rồi tôi có một học sinh đồng tính – tôi có thể làm gì? Phụ huynh thì không vui – liệu có cách nào đó để chúng ta chữa cho em đó được không?’”
Nhà nhân chủng học Natalie Newton phân tích trong một bài viết năm 2015 rằng “Báo chí đại chúng ở Việt Nam, các tài liệu giáo dục giới tính, và… sách giáo khoa y học coi đồng tính luyến ái là một căn bệnh.”[53] Theo nghiên cứu của bà Newton:
Các mục tư vấn trên báo ở Việt Nam cũng đăng tải ý kiến các bác sĩ và chuyên gia tâm lý học, những người đã viết về luyến ái đồng tính như một căn bệnh sinh lý, một sự rối loạn di truyền, hay mất cân bằng nội tiết tố, hoặc chứng bệnh tâm thần.
“Đôi khi những người phát thanh viên truyền hình nói về vấn đề LGBT. Cha mẹ tôi xem và bàn luận về vấn đề đó một cách rất tiêu cực,” Tuyến nói. “Họ không hiểu gì mấy, nhưng tin chắc rằng đó là một căn bệnh.” Nguyên, 17 tuổi, nói rằng khi em đang học lớp 7, cha em nói với em rằng “chỉ có 2 phần trăm những người đồng tính là bị bệnh tâm lý thực sự – số còn lại chỉ là cố đu theo trào lưu.” Mẹ em cũng cảnh báo rằng nếu bà phát hiện ra em là đồng tính thì bà sẽ đưa em vào bệnh viện tâm thần. “Nên lúc đó em quyết định rằng sẽ không bao giờ nói với ai,” Nguyên kể.
Sinh kể lại việc mẹ em phản ứng dữ dội như thế nào khi biết được, trong thời gian đang học trung học, em có quan hệ với một bạn trai. “Mẹ em bật khóc. Bà nghĩ em bị ốm, mắc bệnh,” em nói. “Mẹ cấm em không được gặp các bạn trai và đưa em tới một bác sĩ tâm lý [với ý nghĩ] có thể thay đổi em. Em nói với mẹ rằng em là người song tính và mẹ hỏi em tại sao em không phải là người bình thường.”
Một nhân viên của một tổ chức quốc tế điều hành các chương trình tập huấn cho giáo viên về dung hợp LGBT ở Việt Nam nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Chúng tôi nghe được phản hồi từ nhiều giáo viên rằng họ không hiểu vì sao họ bị bắt buộc phải học về LGBT vì đó là một chứng bệnh và phải do các bác sĩ can thiệp”
Tìm kiếm thông tin chính xác và tích cực
Do trường học không cung cấp bất kỳ một thông tin nào như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam phải đi tìm các thông tin tích cực và chính xác về xu hướng tính dục và bản dạng giới ở các nơi khác.
Hưng, 21 tuổi, nói rằng em chưa bao giờ nghe các giáo viên nói điều gì về người LGBT, nhưng em bị bắt nạt từ khi còn học tiểu học. “Các bạn cùng lớp kể chuyện cười về người đồng tính với thái độ miệt thị, nhằm chính vào em,” em nói và tâm sự rằng:
Em rất sợ hãi. Em nghĩ có điều gì đó bất ổn ở bản thân. Em nghĩ em đã làm điều gì đó sai dù không biết điều đó là gì. Em không hỏi được ai – em quá sợ hãi – để có thông tin về những vấn đề hay cảm giác đó. Em không biết phải làm thế nào nên cứ phải tự chịu đựng.
Nhiều em kể lại mình đã tìm kiếm thông tin từ các nguồn không chính thức ra sao – cụ thể là bằng cách tìm kiếm và lướt mạng internet.
Đi ngược lại dòng chảy của quan niệm phản đối LGBT, một tín hiệu dù nhỏ lẻ của thông tin tích cực cũng là một sự an ủi lớn. “Khi em được 18 tuổi, em tìm thông tin trên mạng. Em nghĩ mình bị bệnh,” Thương, 23 tuổi, kể lại. “Em tìm trên trang Google “vì sao một người con gái thích một người con gái khác?” Em tìm được một trang web nói rằng con trai có thể yêu con trai và con gái có thể yêu con gái. Điều đó làm em thấy nhẹ người.”
Nguyệt, một người đồng tính nữ 19 tuổi, nói rằng việc tìm kiếm các thông tin tích cực trên mạng internet lúc còn nhỏ hơn rất hữu ích. “Em tìm thấy các câu chuyện về con gái thích con gái. Không hẳn đó là thông tin tích cực, khẳng định trực tiếp rằng điều đó bình thường, nhưng rất có tác dụng vì câu chuyện đã cho em thấy rằng cảm giác đó không phải chỉ riêng mình em có,” em nói. Nhưng các câu chuyện, dù có tính tích cực, cũng không có tính giáo dục như một giáo trình đủ thông tin dung hợp. “Câu chuyện không chứa đựng nhiều kiến thức thực tế,” Nguyệt nói. “Và vì thế em có hiểu biết sai lệch về giới tính và tính dục trong một thời gian dài.”
Ngay cả các thanh thiếu niên đã công khai xác định là người đa dạng tính dục cũng nói rằng ở độ tuổi dậy thì các em từng gặp phải các định khuôn căng thẳng và thông tin sai lệch về bản thân và những người khác. Ví dụ như, Chính, 16 tuổi, nói rằng em đã hiểu lầm về các bạn là người đa dạng tính dục cho đến khi tìm được các thông tin tốt hơn và bản thân em công khai về giới tính của mình. “Em từng có nhiều định kiến trong đầu, và về hùa với các bạn trong lớp trêu chọc những bạn đồng tính,” em nói.
Sách nhiễu bằng lời nói
[Sau khi em công khai] một số người chấp nhận, một số người không và nghĩ rằng LGBT là một dạng bệnh, nên bắt đầu bắt nạt và cô lập em. Lúc đầu, khi em kể với người bạn thân nhất, cô ấy chỉ ngạc nhiên. Nhưng sau đó có lần bạn ấy nói, “Tại sao cái loại đồng tính thối tha chúng mày lại sống được nhỉ?”
—Liễu, một phụ nữ song tính, 19 tuổi, tháng Hai năm 2019
Bị sách nhiễu bằng lời nói đã in dấu lên trải nghiệm học đường của rất nhiều học sinh LGBT được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn. Trong hầu hết các trường hợp, bạn bè cùng lớp cô lập các học sinh là người đa dạng tính dục, những người có biểu hiện ngược lại với thông lệ về giới tính – cụ thể là các học sinh nam có cách hành xử bị coi là “quá ẻo lả.”
Phúc kể lại các bạn đầu trò bắt nạt em thường chỉ ra các hành vi không phù hợp với giới tính của em, bắt em phải thay đổi, rồi dùng những từ lóng miệt thị đồng tính. Em nói:
Họ không bao giờ nói rằng em là đồng tính nam nhưng nghĩ rằng em quá giống con gái – rằng sở thích và hành vi của em quá con gái. Họ nói rằng đáng lẽ em phải là con gái, và gọi em là ‘bê đê” rồi khi em đi ngang thì gọi “em gái ơi.”
Thương, 23 tuổi
Khi Thương ở độ tuổi teen, cô tự hỏi vì sao cô lại cảm thấy những người con gái khác hấp dẫn mình. Cô tìm kiếm thông tin trên mạng, “vì sao một người con gái lại thích một người con gái khác?” và tìm thấy một trang web nói rằng con trai có thể yêu con trai và con gái có thể yêu con gái. Điều đó làm Thương cảm thấy nhẹ người. Rồi khi vào đại học, lần đầu tiên trong đời Thương ngỏ lời với một cô gái là mình thích cô ấy. Cô gái này kể lại với các bạn cùng lớp, và họ bảo Thương rằng cô thật “bệnh hoạn.”
© 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Chính, một người song tính nam 16 tuổi, nói rằng em chưa bao giờ bị sách nhiễu trực tiếp dù có thổ lộ xu hướng giới tính với vài bạn trong lớp. Tuy nhiên, em nhớ lại rằng: “Một bạn ở lớp em là đồng tính nam, và mới đây bạn ấy bị gọi bằng từ lóng chỉ gái điếm vì giọng nói của bạn ấy hơi nữ tính.” Khánh, một người chuyển giới nam 22 tuổi, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền: “Em thấy nhiều bạn ở các lớp khác luôn bị trở thành tâm điểm trêu chọc. Họ là những cậu con trai hơi giống con gái, nên người ta rất dễ chế giễu các bạn ấy.”
Đối với những người khác, bị sách nhiễu bằng lời nói là một chuyện thường ngày trong cuộc sống. “Lúc đó em nghĩ rằng, nếu chưa bị bạo hành thân thể, thì chưa đáng báo với thầy cô.” Quý, một nam song tính 23 tuổi nói. “Nhìn lại, thì thấy thật là tồi tệ. Lúc đó em chỉ chưa ý thức được việc đó – vì đó là chuyện xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của em.”
Bạo hành thể chất
[Việc bắt nạt] chủ yếu là bằng lời nói, nhưng có một lần em bị năm sáu đứa con trai đánh hồi lớp tám – chỉ vì họ không ưa ngoại hình của em.
— Đức, một nam đồng tính 22 tuổi, tháng Chín năm 2018
Liễu, một phụ nữ song tính 19 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về trải nghiệm của em trong trường trung học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đang học lớp 10, Liễu nói với người bạn thân nhất rằng mình là người song tính luyến ái, vì lúc đó em nghĩ như vậy. Người bạn phản ứng rất tệ, rồi sau đó xin lỗi Liễu. “Rồi bạn ấy kể với cả trường về em,” Liễu nói.
Việc bộc lộ xu hướng tính dục của Liễu như thế đã đưa em vào tình thế rất nguy nan. “Ở lớp, các bạn khác không chơi với em nữa,” em nói. Lớp học của em trên tầng hai, nhưng khi em đi dưới sân ở tầng một, các bạn cùng lớp hắt nước xuống người em. “Các bạn ấy giấu cặp sách hay giày dép của em,” em nói. “Em chơi bóng rổ, và có những lúc các bạn nam cố tình ném bóng vào người hay vào đầu em.” Các bạn khác thì xé sách của Liễu, và có một lần đồng phục của em cũng bị xé. Rồi, lên lớp 11, các bạn cùng lớp đẩy Liễu từ sân hiên tầng hai làm em ngã gãy tay và xây xước nặng nhiều chỗ. “Khi cha mẹ em thấy các vết bầm, và cả khi tay em bị gẫy, em nói với họ là do em chơi bóng rổ,” Liễu nói. Tuy nhiên, ba Liễu không tin lời em nói, và đến trường với danh nghĩa xem em chơi bóng rổ và đã chứng kiến một số hành vi bắt nạt.
Dù bạo hành thân thể có vẻ như hiếm xảy ra hơn so với sách nhiễu bằng lời nói, những người trả lời phỏng vấn khác kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các em có chứng kiến bạo hành thân thể đối với các bạn cùng lớp, là những người được biết hoặc bị đồn đại là người đa dạng tính dục.
Khác với trường hợp của Liễu, trong khi cha mẹ em quan ngại về việc con mình là nạn nhân của bạo hành ở trường, một số người trả lời phỏng vấn khác cho biết rằng chính người nhà mình là thủ phạm bạo hành.
Liễu, 19 tuổi
© 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
Nguyên, 17 tuổi, kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng vì quá háo hức tìm hiểu xem cảm giác rung động trước những người đàn ông khác của mình nghĩa là gì, em thường tìm các trang khiêu dâm trên mạng. “Em thực sự quan tâm đến việc đó, nhưng không biết cách xóa lịch sử chương trình lướt mạng. Nên cha mẹ em phát hiện được,” em nói. “Cha em đánh em đến thâm tím người. Ông đánh em bằng cây gậy cán kim loại đến khi gẫy ra. Em đã quên việc đó cho đến tận mấy ngày sau, khi soi gương thấy những vết bầm trên người.”[72] Sau đó, khi em cố gắng nói chuyện với cha mẹ rằng mình là người đồng tính nam, mẹ Nguyên hét lên với em. “Bà ném các thứ vào người em – một cái loa âm thanh nổi vào đầu, một quả cầu đá trang trí nữa,” em nói, và kể thêm rằng các cơn la hét và bạo hành còn tiếp diễn suốt mấy tháng. “Em bắt đầu có những cơn ác mộng về mẹ la mắng mình – rằng trong đời bà ấy giờ chỉ còn cha và anh trai em.”[73]
Sức ép phải tuân theo thông lệ xã hội
Các bạn bè và thầy cô nói những lời hung hãn về các nhân vật LGBT trên truyền hình, nên em không thấy an toàn [ở trường]. Họ nói những điều như [các nhân vật LGBT] không phải giống người, họ thật kỳ dị, bất thường. Ý họ là người đồng tính thì đáng ghê sợ.
—Phúc, nam đồng tính 20 tuổi, tháng Hai năm 2019
Như đã trình bày ở phần trước trong bản phúc trình này, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc công nhận quyền của người LGBT trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với nhiều người LGBT, các thông lệ xã hội thống trội vẫn tiếp tục cản trở việc họ tự do bày tỏ xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời ngầm nuôi dưỡng các hành vi kỳ thị và bạo hành. Trong một bài viết về quan hệ gia đình và căn tính LGBT ở Việt Nam, các nhà nhân chủng học Paul Horton và Helle Rydstrom phân tích hiện tượng có vẻ như nghịch lý đó như sau:
Các thông lệ văn hóa-xã hội thống trội về tính dục đã cho phép người ta loại trừ tính dục đồng giới về mặt thực tế cũng như pháp lý ở Việt Nam ngày nay, đồng thời mở ra các không gian có thể phản kháng thông qua việc thực hành phản đối, diễu hành và biểu tình, vận động chính trị và các thay đổi đối với Luật Hôn nhân và Gia đình.
Horton và Rydstrom lập luận rằng có một sức ép lớn buộc người ta phải tuân thủ “sự trông đợi về quan hệ dị giới bình thường để duy trì gia đình.” Họ cũng nhấn mạnh rằng sức ép hướng tới việc tuân thủ cấu trúc gia đình phụ hệ rất phức tạp và không chỉ riêng những người đa dạng tính dục mới phải chịu. Họ ghi nhận trường hợp một người đồng tính nữ 25 tuổi tên là Bùi kể rằng mẹ cô nghi ngờ cô là đồng tính nữ dựa trên cách ăn mặc, và trước khi cô công khai xu hướng giới tính của mình, mẹ cô dọa sẽ tự tử nếu cô công khai tuyên bố rằng mình đồng tính. Họ viết, “bà mẹ nói với Bùi rằng bà ấy có thể chịu đựng được sự lựa chọn xu hướng giới tính của cô, nhưng không chịu được cách người khác sẽ nói về con mình.” Hai vị học giả giải thích rằng:
[C]ác bậc cha mẹ có thể phản ứng tiêu cực trước việc con trai hay con gái mình công khai giới tính, không phải chỉ vì quan niệm của riêng họ về tính dục và tầm quan trọng của hôn nhân, mà còn vì các quy ước văn hóa xã hội rộng hơn và ảnh hưởng tiêu cực của việc đó tới danh dự chung của cả gia đình.
Trong các bài viết khác dựa trên nghiên cứu dân tộc học thực địa, Horton ghi chép lại việc các quan niệm về không theo chuẩn giới đã ảnh hưởng tới những trải nghiệm bị bắt nạt của các học sinh như thế nào, đặc biệt là những em đồng tính nam kể lại cách họ che giấu các hành vi không theo quy chuẩn trong thời thơ ấu để tránh bị dò xét và sách nhiễu.
Đỗ Thị Lan Anh, một giáo sư ở Đại học Quốc gia Việt Nam, ghi nhận trong một bài viết năm 2017 về trường hợp các bậc cha mẹ nhận biết và phán xét các hành vi “ái nam ái nữ” ở những đứa con trai. Tác giả dẫn lời một người mẹ nói rằng: “Với những đứa con trai tuổi dậy thì mà quá yếu đuối và dịu dàng, chúng tôi sẽ mắng nó là bê đê… con trai tuổi dậy thì phải mạnh mẽ thì mới không bị những người đồng tính nam tấn công/ rủ rê…”
Trong một công trình nghiên cứu trên 2600 người thiểu số về giới tính nữ và người chuyển giới nam do các nhà nghiên cứu từ iSEE, ICS (một nhóm LGBT Việt Nam), Đại học John Hopkins và Đại học Harvard tiến hành, các nhà nghiên cứu đã kết luận: “Nhìn chung, cách đối xử tiêu cực của gia đình là chỉ dấu sớm của tình trạng sức khỏe tâm thần xấu hơn, và tỷ lệ tự sát cũng như nghiện hút thuốc và nghiện rượu cao hơn.” Bài nghiên cứu khuyến nghị các biện pháp can thiệp theo cả hai hướng, vừa cải thiện thái độ bao dung của gia đình vừa hỗ trợ những người chuyển giới nam, đồng tính nữ và song tính nữ tăng khả năng chịu đựng với sự hắt hủi của gia đình.
Có một môi trường học tập an toàn là điều đặc biệt quan trọng đối với các thanh thiếu niên LGBT bị hắt hủi hay sách nhiễu ở gia đình. Nhiều em học sinh kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền các phương cách giữ cho bản thân được an toàn ở trường. Các câu chuyện đó thể hiện sức chịu đựng và sáng tạo, nhưng đồng thời cũng cho thấy những điểm yếu mà nhà trường cần hành động. Nhà trường có nghĩa vụ đảm bảo các cơ sở và hoạt động của mình phải an toàn. Hoặc, như cách iSEE đặt vấn đề trong bản phúc trình năm 2016:
Vì không phải [tất cả] học sinh LGBT đều may mắn được đối thoại với giáo viên, các nhà chức trách ở học đường phải có trách nhiệm và đưa ra các quy định rõ ràng để đảm bảo một yêu cầu tối thiểu [là] cách ăn mặc của học sinh không thể trở thành căn cứ phân biệt đối xử với người LGBT.
Góc nhìn của các em học sinh LGBT
Khi Ngọc, năm nay 22 tuổi, đang học trung học, em bắt đầu thay đổi và ngoại hình không phù hợp với thông lệ xã hội của giới tính nữ mà em được chỉ định khi sinh ra. Một hôm, khi em học lớp 11, giáo viên sinh học gọi em tới bàn của cô:
Cô ấy viết bằng phấn hai chữ “nam” và “nữ” lên bàn và bảo em chọn một. Cô hỏi em vì sao lại cắt tóc ngắn. Em nhận ra rằng có thể cô chưa có kiến thức về xu hướng tính dục và bản dạng giới, nhưng cô thấy có một vấn đề rắc rối đang nảy sinh từ việc em là LGBT.
Ngọc nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng em trân trọng cách tiếp cận kín đáo của cô giáo, thay vì gọi em lên trước mặt các bạn trong lớp. “Cô ấy nhận thấy rằng đây là vấn đề nhạy cảm, và cô muốn giúp em theo cách nào đó,” Ngọc nói. Tuy nhiên, sức ép xã hội nặng nề mà Ngọc cảm nhận được ở gia đình và nhà trường vì ngoại hình của mình khiến em cảm thấy sợ hãi. “Lúc cô hỏi em [chọn giữa nam hay nữ] em thực sự lúng túng về câu trả lời, vì em sợ nếu trả lời ‘sai’ thì cô sẽ báo với cha mẹ em,” em nói.
Một em song tính nữ 17 tuổi giải thích rằng: “Em nghĩ vai trò giới theo cách cũ, truyền thống cần phải thay đổi – như kiểu một người con gái luôn phải có một người chồng – và đàn ông được hưởng tiêu chuẩn kép. Nhưng khi em bày tỏ ý kiến của mình, mọi người nói rằng em ngổ ngáo.”
Một số em tham gia trả lời phỏng vấn đã phân tích cách giới chức trong nhà trường ngầm áp đặt quy ước về giới tính theo thông lệ. Ví dụ như, trong trường hợp của Nguyên, giáo viên cấp hai quan sát thấy em chỉ chơi với con gái, liền thông báo việc này với cha mẹ em đồng thời áp đặt hình thức kỷ luật em ở trường. Em nói:
Hồi học cấp hai, em chỉ chơi với các bạn nữ vì em không thích kiểu bọn con trai chỉ nói về con gái và chơi game. Các bạn gái vui hơn nhiều. Giáo viên chủ nhiệm lớp nhận thấy điều này và nói lại với cha mẹ em. Cha mẹ em lo lắng, nên giáo viên giao cho em làm trực nhật lớp suốt ba tháng liền. Em không được làm các việc nhẹ trong lớp nữa, ví dụ như lau bảng. Em toàn phải làm người quét dọn. Lớp học xong lúc 5 giờ chiều, còn em phải ở lại một mình đến 8 giờ tối để lau dọn lớp.
Nguyên, 17 tuổi
© 2020 Sally Deng minh họa cho Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Rất nhiều học sinh LGBT chúng tôi tiếp xúc cảm thấy có sức ép hữu hình buộc phải tuân thủ những thông lệ xã hội. Đối với một số em, điều này có nghĩa là không bao giờ bộc lộ xu hướng tình dục hay bản dạng giới với bạn bè. Sự kín đáo sẽ đổi lại được một chút an toàn. Diệp, 21 tuổi, nói, “Nếu trong khi một nhóm bạn đang tán gẫu và có một người nhắc đến LGBT, các bạn khác sẽ ngăn người đó và nói, ‘Đừng nhắc đến chuyện đó, ghê lắm.’ Cho nên mọi người không bao giờ muốn ra công khai.”
Hằng, một nữ song tính 22 tuổi, kể lại cách em tự bảo vệ mình, khi nói về thời gian em học cấp hai và cấp ba: “Nếu em xử sự bình thường sẽ không có gì rắc rối. Nếu em thể hiện mình hơi quá, em sẽ bị những người khác ở trường nhắc nhở, nhưng vì em giữ kín hầu như mọi lúc, nên điều đó không xảy ra.” Một chuyên gia tư vấn ở trường giải thích: “Có các giáo viên nói với tôi, “Vâng, kỳ thị xảy ra cũng có nguyên nhân – có những đứa trẻ khác lạ thì sẽ bị đối xử khác lạ.””
Hậu quả của tình trạng bị bắt nạt và cô lập
Em không thấy an toàn ở trường, do quan niệm và định kiến của những người khác về LGBT. Em không bị bạo hành thân thể, nhưng em bị tổn thương tâm lý. Chắc chắn ai cũng thấy tổn thương khi mọi người cứ liên tục nói rằng bạn bị bệnh như thế.
—Nhung, một nữ song tính 17 tuổi, tháng Giêng năm 2019
Các thanh thiếu niên LGBT bị bắt nạt và cô lập ở trường phải chịu hàng loạt hậu quả tiêu cực. Các em tham gia phỏng vấn kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng họ cảm thấy căng thẳng do bị bắt nạt và sách nhiễu, và tình trạng căng thẳng đó ảnh hưởng tới khả năng học tập. Một số em nói rằng do bị bắt nạt vì xu hướng tính dục và bản dạng giới khiến các em đi học thất thường hoặc bỏ học ở nhà. “Việc bị bắt nạt ảnh hưởng tới em rất nhiều, nhất là về sức khỏe tinh thần,” Trung, một người chuyển giới nam, 18 tuổi, nói. “Em không muốn đi học và rất sợ phải bước qua cổng trường.”
Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy thanh thiếu niên LGBT có nguy cơ phải chịu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe tinh thần cao hơn, bao gồm trầm cảm, bất an, lạm dụng chất hướng thần và có ý định tự tử. Ví dụ như, dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2016, gần đây mới ghi chép cụ thể về các trải nghiệm của thanh thiếu niên LGBT trên toàn quốc, chỉ ra rằng 8 phần trăm học sinh, sinh viên xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, và song tính trên toàn quốc đã có tỷ lệ trầm cảm và muốn tự tử cao hơn so với các bạn luyến ái dị tính. Dữ liệu cũng cho thấy một con số đáng báo động là 42,8 phần trăm thanh thiếu niên đồng tính nữ, đồng tính nam, và song tính tham gia khảo sát đã nghiêm túc cân nhắc việc tự sát trong năm trước đó, và 29,4 phần trăm đã thử tự tử, so với 14,8 phần trăm thanh thiếu niên luyến ái dị tính đã nghiêm túc cân nhắc việc tự sát vào năm trước đó, và 6,4 phần trăm thanh thiếu niên luyến ái dị tính đã thử tự tử.[92] Một công trình nghiên cứu học thuật ở Hoa Kỳ cho thấy một tỷ lệ bất cân xứng, tới 40% trong số các thanh thiếu niên từng có trải nghiệm vô gia cư xác định mình là LGBT, chủ yếu do gia đình không chấp nhận xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ.
Các nghiên cứu nói trên, thực hiện ở các nước khác, cũng đưa đến các luận điểm tương tự như ở Việt Nam. Ví dụ như, trong báo cáo năm 2015 của Viện Nghiên cứu Y tế và Xã hội và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save The Children) về thanh thiếu niên LGBT vô gia cư ở Việt Nam cho thấy rằng “bị gia đình kỳ thị, ruồng rẫy hay bạo hành là những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định bỏ nhà và mong muốn tìm kiếm một cộng đồng bao dung hơn để gia nhập.”[94]
Một số học sinh nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng mình bỏ học để tránh bị bắt nạt. Ví dụ như, Duệ nói: “Một lần một bạn trai trong lớp – mà bạn này không ưa em – bảo em ‘mày mà đến trường là bị ăn đòn đấy’ nên ngày hôm sau em không đi học.”[95] Trung, 18 tuổi, nói khái quát về nỗi sợ của mình: “Em không thấy an toàn khi đi học, vì thường bị bắt nạt và xô đẩy.”
Đối với các em khác, như Hiền, 17 tuổi, việc bị bắt nạt liên tục ở trường đã dẫn đến bỏ học có quy luật. Em nói:
Ở trường cấp hai em bỏ học vì thấy không an toàn ở trong lớp. Em biết rằng nếu em đi học, sẽ phải nghe những lời trêu chọc bài bác người đồng tính, nên tốt hơn hết là ở nhà. Điểm số của em bị ảnh hưởng. Trường em học sáu ngày một tuần và em nghỉ ít nhất ba ngày, và trong những ngày đi học thì em cũng bỏ một số tiết vì quá sức chịu đựng. Cha mẹ em biết em nghỉ học. Họ biết em là đồng tính nam và nghĩ rằng em thấy không hợp với mọi người xung quanh nên ở nhà vì lẽ đó. Họ không biết gì về việc em bị bắt nạt.
Với đa số các học sinh trả lời phỏng vấn của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, mong muốn làm vừa lòng cha mẹ về việc học hành đã lấn át nỗi sợ phải đi học. Phúc, một người đồng tính nam 20 tuổi, giải thích: “Mọi người trêu chọc em rất nhiều. Em thấy chán nản và không muốn bị như vậy nữa. Nhưng rồi em vẫn đi học vì không muốn làm cha mẹ thất vọng.”
Nhà trường không giải quyết thỏa đáng các vụ bạo hành
Nhà trường cần thay đổi – đó là điều cấp thiết. Nguyên nhân thế hệ tôi ghét bỏ LGBT hoặc không hiểu về LGBT là do chúng tôi chưa bao giờ được dạy về sự khác biệt. Điều đó sẽ không chỉ giúp riêng cho người LGBT – mà sẽ giúp toàn bộ chúng ta có một xã hội tốt hơn.
—Một bà mẹ có con trai là đồng tính nam ở Thành phố Hồ Chí Minh
Hầu như tất cả các thanh thiếu niên LGBT từng trải nghiệm việc bị bắt nạt ở học đường được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn đều nói họ không thấy thoải mái đi báo cáo với nhà trường. Trong một số trường hợp là do cách hành xử định kiến ra mặt của nhân viên nhà trường; ở những trường hợp khác, học sinh quyết định không báo với nhà trường do suy đoán rằng nếu nhờ người lớn can thiệp thì sẽ không an toàn.
Đây là một chỉ dấu đáng lưu ý, vì ngoài các nội dung học chính khóa, các trường học thường phải cung cấp nhiều nguồn lực khác cho học sinh: sự hỗ trợ từ các giáo viên, các chuyên gia tư vấn, và các nhân viên khác trong trường, là một tài sản giá trị, và phải dễ dàng tiếp cận để hướng dẫn cho các thanh thiếu niên LGBT cũng như mọi học sinh khác. Theo UNESCO, “sự hỗ trợ từ các thầy cô có thể tạo ảnh hưởng đặc biệt tích cực đối với các học sinh LGBT và liên giới, tăng cường lòng tự trọng và góp phần giảm hiện tượng nghỉ học, tạo cảm giác an toàn và hòa nhập tốt hơn và kết quả học tập cao hơn.”
“Em chưa từng nghĩ đến việc nói với thầy cô về chuyện đó,” Tuyến, 20 tuổi, nói. “Em biết các bạn phản ứng như thế nào rồi, và em sợ với các thầy cô còn tệ hơn thế. Em cảm giác rằng họ sẽ không giúp em.” Đức kể với chúng tôi rằng các bạn ở lớp 8 đánh đập em, để lại những vết xước trông thấy rõ, nhưng em không báo cáo với nhà trường. Em giải thích:
Việc đó xảy ra ở trường nhưng em không nghĩ rằng các thầy cô biết. Sau đó em không nói lại với giáo viên, vì sợ nhà trường sẽ làm sự việc trầm trọng thêm và qua việc đó em sẽ bị để ý hơn. Em cũng nghĩ rằng nếu báo cáo với trường sẽ chẳng thay đổi được gì.
Khánh, một người chuyển giới nam 22 tuổi, tả lại trải nghiệm bị bắt nạt hồi ở trường trung học và việc đó ảnh hưởng tới ấn tượng của em về cách những người lớn ở trường sẽ hành xử ra sao:
Hay như Ngọc, một người chuyển giới nam từng bị bắt nạt ở trường học, giải thích:
Em không kể chuyện này với ai vì em không thể nói với họ nguyên nhân của việc em bị bắt nạt. Nói thật là, ở trường em, nếu hai học sinh đánh lộn, thì cả hai đều bị kỷ luật. Nên em không nói với ai vì không muốn mình bị phạt.
Một số học sinh có suy nghĩ rằng các giáo viên biết chuyện bắt nạt có xảy ra nhưng không muốn can thiệp. “Các thầy cô có thể biết chuyện đó xảy ra nhưng dường như không làm gì cả,” là lời em Giang, cũng là cảm giác chung của nhiều em học sinh được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phỏng vấn. Nhiều em khác có trải nghiệm trực tiếp về việc nhà trường bỏ qua không phản ứng. Trong trường hợp của Liễu, 19 tuổi, bị các bạn trong lớp làm gẫy tay vào một trong nhiều lần bị hành hung cơ thể, ngay cả khi bố em can thiệp trực tiếp với nhà trường, họ cũng chỉ hành động nửa vời. Em kể:
Bố em nói với giáo viên, nhưng thầy cô chẳng làm gì cả. Bố muốn em chuyển trường, nhưng em không đồng ý vì em chỉ muốn học cho xong và không muốn có sự thay đổi nào hết. Khi bố em nói với cô giáo chủ nhiệm, cô đến lớp và yêu cầu các bạn không làm thế nữa. Cô không hỏi xem ai đã làm thế với em. Một tuần sau khi bố em báo với cô giáo việc em bị bắt nạt, bố em lại nói chuyện với cô giáo lần nữa, và nhận ra rằng làm ầm ĩ như thế không phải là cách tốt để giải quyết tình hình. Em nói với bố rằng báo thầy cô chẳng giải quyết được chuyện bắt nạt đâu. Thế nên bố em chỉ cố gắng hỗ trợ tinh thần cho em tiếp tục học cho xong phổ thông.
Tác động của môi trường học đường dung hợp và hỗ trợ
Em thấy rất an toàn ở trường trung học. Em cũng thấy mình rất may mắn. Khi còn ở trường, em luôn nghĩ rằng đó là chuyện bình thường. Nhưng sau khi ra trường và nói chuyện với các bạn khác, em mới nhận ra rằng trường cũ là một nơi rất an toàn.
—Trân, một nữ chuyển giới 22 tuổi, tháng Giêng năm 2019
Được nhận biết về các trải nghiệm bản thân và học về xu hướng tính dục và bản dạng giới giúp các thanh thiếu niên LGBT thấy an toàn ở học đường. Như em Ngọc nhận xét:
Em thấy rằng khi có nhiều kiến thức hơn, em có thể tự bảo vệ tốt hơn. Em có thể yêu cầu giáo viên gọi em theo đúng đại từ nhân xưng… và các thầy cô thường đồng ý. Em nghĩ tạo năng lực cho người LGBT có thể tự bảo vệ mình và thay đổi người khác là điều rất quan trọng.
Một chuyên gia tư vấn ở Hà Nội nhấn mạnh với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng các em học sinh LGBT đến gặp cô ở văn phòng có thể phát triển tốt nếu được hỗ trợ đúng. “Tôi có thể đưa sách cho các em và nói các sự thật về tính dục và giới tính, như thế có thể góp phần đẩy lui các thông tin tiêu cực và không đúng sự thật, từ đó các em có xu hướng tốt lên,” cô nói. Nhưng đa số các em, kể cả những em đã vượt qua được nỗi tự nghi ngờ và ghét bỏ bản thân khiến họ không dám tìm gặp tư vấn – vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Ngay cả khi các em có gặp một người đa dạng tính dục trong cuộc sống – khả năng này xảy ra hay không cũng tùy hoàn cảnh – cũng không có nghĩa là các em có được đầy đủ thông tin đúng đắn.”
II. Các bậc cha mẹ hành động
“Cách duy nhất để giữ con là dùng tình yêu thương”
—Một người cha ở Thành phố Hồ Chí Minh
Hằng trở thành một nhà hoạt động vì chị không muốn mất Phong, con trai mình. Giờ đã ở độ tuổi 20, nhưng khi Phong đang học phổ thông, các bạn trong lớp bắt nạt em vì phong cách “không đàn ông” khiến em bị trầm cảm. Khi chị Hằng cố trình bày với nhà trường về vấn đề này, họ phản ứng bằng cách nói với chị rằng nếu con chị đừng hành xử bất bình thường nữa thì việc bắt nạt cũng sẽ chấm dứt.
Hiện giờ, chị là một trong số vài tình nguyện viên với PFLAG-Việt Nam, một tổ chức đặt tên theo chữ viết tắt từ “Parents and Friends of Lesbians and Gays” (Cha mẹ và Bạn bè của những Người đồng tính Nam và Nữ).
Nhóm khởi xướng của tổ chức giờ đây là PFLAG tập hợp ở Thành phố New York vào năm 1973 (đến thập niên 1980 mới lấy tên là PFLAG) sau khi con trai một cô giáo dạy tiểu học bị đánh, và bà muốn vận động cho con. Bà tổ chức các bậc cha mẹ của những đứa trẻ là người đa dạng tính dục lại để hỗ trợ và ngăn ngừa bạo hành nhằm vào các con. Các chi nhánh của PFLAG – cũng như các tổ chức có mục đích và cơ cấu tương tự – đã được thành lập ở hàng chục quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam.
Ở Việt Nam, PFLAG vẫn là một dự án không chính thức, chưa đăng ký, nhưng các tình nguyện viên là cha mẹ đã bắt đầu thấy được kết quả qua việc tương tác với các bậc cha mẹ khác cũng có con là thanh thiếu niên LGBT. Trong thời gian làm việc với vai trò tình nguyện viên suốt năm năm qua, chị Hằng đã gặp các cha mẹ có con là LGBT với đủ loại quan điểm và niềm tin khác nhau. “Ngay cả một người có bằng tiến sĩ về tâm lý học cũng hỏi là con trai [đồng tính] của mình có phải thực sự là đàn ông không, hay trong quan hệ thì cháu là chồng hay là vợ,” chị kể. “Họ cũng thường muốn tự trách móc bản thân – họ nghĩ họ đã làm điều gì đó sai trong quá trình nuôi dạy con.”
Tâm thế đó thật đáng lo ngại, chị Hằng nói: “Họ thực sự hỏi chúng tôi về phương pháp thay đổi đứa trẻ – trong khi chúng tôi chuẩn bị chỉ cho họ cách thay đổi bản thân.” PFLAG tổ chức cả các buổi gặp riêng với các tình nguyện viên giàu kinh nghiệm và các cuộc gặp chung của cả nhóm cha mẹ. Chị giải thích:
Các buổi họp nhóm chúng tôi tổ chức cho cha mẹ mang một tinh thần cộng đồng giữa những người tham gia – theo nghĩa không phải chỉ có mình họ đơn độc trải qua những việc đó. Như thế giúp đẩy nhanh tiến trình hơn nhiều so với các buổi gặp riêng.
Những người đàn ông đồng tính là con trai cả và/hoặc là con trai duy nhất do vậy phải đối mặt với gánh nặng và nghĩa vụ theo đặc thù giới tính. Không đáp ứng được như vậy sẽ ảnh hưởng tới không chỉ bản thân họ, mà còn đối với toàn bộ gia đình, cả gia đình có thể sẽ bị cô lập về quan hệ xã hội. Phụ nữ cũng bị sức ép về nghĩa vụ và bổn phận làm mẹ và chăm sóc gia đình.
PFLAG cũng cố gắng tổ chức thuyết trình trong các trường học, để chứng minh cho giáo viên và thanh thiếu niên rằng thế hệ lớn hơn cũng chấp nhận và hiểu người LGBT. Tuy nhiên, như họ cho biết, họ thường bị các trường từ chối.
“Hầu như lần nào chúng tôi cũng bị các trường từ chối,” chị Hằng nói. “Ở Việt Nam chúng tôi rất coi trọng đạo đức của các thầy cô giáo. Các thầy cô nói rằng chủ yếu là do họ e ngại các phụ huynh sẽ trách thầy cô rao giảng các giá trị xấu và khiến cho học sinh trở thành đồng tính – nên họ không đồng ý cho PFLAG tới trường.”
Và chị Hằng tin rằng đó chính là điểm mấu chốt cần cấp thiết thay đổi.
“Các trường học cần thay đổi – đó là điều cấp thiết,” chị nói. “Nguyên nhân khiến thế hệ tôi phản đối LGBT hay bị nhầm lẫn về LGBT là do chúng tôi chưa bao giờ được dạy về những điều khác biệt.”
Anh Thắng, một tình nguyện viên PFLAG và là cha của một cậu con trai đồng tính, nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng anh đã khóc nhiều tuần sau khi con trai công khai giới tính với mình khi cháu đang học trung học. “Tôi biết mình phải tỏ ra cứng rắn vì cháu có một kỳ thi quan trọng, và tôi muốn cháu tập trung vào kỳ thi đó, nhưng tôi đã khóc rất nhiều,” anh nói. Anh rất khó chịu về xu hướng đồng tính luyến ái của con trai và muốn tìm cách thay đổi con.
Nhưng với anh Thắng, sự lựa chọn đã rõ ràng: “Vào lúc đó tôi có một lựa chọn. Tôi không bao giờ hình dung được rằng con mình lại có thể trở thành nạn nhân của sự căm ghét từ chính bố nó. Và tôi biết nếu cứ tiếp tục suy nghĩ như thế, thì mình sẽ mất con,” anh nói. “Con tôi là một người tốt. Cách duy nhất để giữ con là dùng tình yêu thương.”
Anh gặp được các tình nguyện viên – phụ huynh trước khi mạng lưới PFLAG thành lập, và trải nghiệm đó khiến anh quyết định trở thành một nhà hoạt động.
“Tôi không bao giờ quên được lần gặp đầu tiên những bậc cha mẹ khác,” anh nói. “Cảm giác thấy mình không còn bị đơn độc thật kỳ diệu. Tôi có thể thấy các cha mẹ khác cũng có cảm giác ấy – rằng chúng tôi đều cần người đồng hành trong hành trình này.”
Hành trình của anh Thắng là một sự thay đổi tâm thế – từ chỗ công khai ghét bỏ người đồng tính đến chấp nhận đứa con đồng tính, rồi tới chỗ chủ động khuyến khích các bậc cha mẹ khác cũng làm như mình.
“Khi con tôi mới công khai, tôi sợ cháu sẽ phải đối mặt với những sự kỳ thị. Lúc đó, chỉ khác thường một chút thì ai cũng gọi là bê đê,” anh nói. “Và tôi cũng là một người dùng từ lóng có tính miệt thị đó. Tôi từng rất ghét người đồng tính và tôi biết điều đó độc ác đến mức nào.”
Theo ý kiến anh Thắng, các trường học đang trở nên cởi mở hơn, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như, trong vài năm gần đây, anh đã từng làm thuyết trình cho PFLAG ở một số tỉnh, có các thầy cô giáo ở một số trường đã tự nguyện đến dự.
“Trường học phải cải thiện về vấn đề này. Chúng ta cần có thêm nhiều sự hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng LGBT để họ phát triển tốt hơn,” anh nói.
III. Các tiêu chuẩn pháp lý về nhân quyền
Trong đợt Đánh giá Định kỳ Toàn cầu (UPR) năm 2014 tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận một khuyến nghị của Hội đồng về xu hướng tính dục và bản dạng giới: “Xây dựng luật chống kỳ thị để đảm bảo bình đẳng cho mọi người dân, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ.”
Trong đợt UPR năm 2019, Việt Nam từ chối các khuyến nghị về việc phải bao gồm cả xu hướng tính dục và bản dạng giới trong Luật Lao động và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã chấp thuận các khuyến nghị về:
Xây dựng quy phạm pháp luật chống phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Thực hiện các bước tiếp theo để bảo đảm cơ chế bảo vệ cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó có những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới.
Thực thi các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ y tế về điều chỉnh giới tính và công nhận pháp lý về giới tính.
Tháng Chín năm 2019, văn phòng Thủ tướng đã ban hành một quyết định hướng dẫn cụ thể các cơ quan hữu quan thực hiện các khuyến nghị của UPR đối với Việt Nam. Quyết định bao gồm các nội dung sau:
Chỉ thị Bộ Tư pháp thực hiện việc: “
Ban hành và th
ự
c hi
ệ
n các k
ế
ho
ạ
ch, ch
ươ
ng tr
ì
nh h
à
nh
đ
ộ
ng qu
ố
c gia đ
ể
xóa b
ỏ
đ
ị
nh ki
ế
n, phân bi
ệ
t đ
ố
i x
ử
đ
ố
i v
ớ
i ph
ụ
n
ữ
(nh
ằ
m tăng c
ườ
ng s
ự
tham gia c
ủ
a ph
ụ
n
ữ
trong m
ọ
i lĩnh v
ự
c và xóa b
ỏ
b
ạ
o l
ự
c gi
ớ
i) và các nh
ó
m đ
ố
i t
ượ
ng d
ễ
b
ị
t
ổ
n th
ươ
ng
…
,
[
trong đó
có]
ng
ườ
i
đồ
ng tính – song tính – chuy
ể
n gi
ớ
i – liên g
iớ
i (LGBTI)
.”
Giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ “lưu ý vấn đề về phẫu thuật
xác đ
ị
nh l
ạ
i gi
ớ
i tính
…,
công nh
ậ
n gi
ớ
i tính mà không có s
ự
đòi h
ỏ
i v
ề
m
ặ
t y t
ế” và “Ban hành và bố trí đủ nguồn nhân lực và tài chính nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động quốc gia để xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương… [trong đó có] người đồng tính – song tính – chuyển giới – liên giới (LGBTI).”
Giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhiệm vụ “r
à soát và đ
ề
x
uấ
t hoàn thi
ệ
n pháp lu
ậ
t nh
ằ
m đ
ả
m b
ả
o bình đ
ẳ
ng gi
ữ
a nam và n
ữ
, ch
ố
ng phân bi
ệ
t đ
ố
i x
ử
trên c
ơ
s
ở
gi
ớ
i (k
ể
c
ả
đ
ố
i v
ớ
i
người
LGBTI).”
Quyền được giáo dục
Quyền về giáo dục được đảm bảo trong một số bộ luật của Việt Nam. Các văn bản hướng dẫn việc đảm bảo thực thi quyền giáo dục bằng cách, chẳng hạn, giảm thiểu bạo lực học đường, được cụ thể trong các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật Trẻ em Việt Nam năm 2016 ghi rõ:
Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu
1. Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.
2. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục.
Trong báo cáo sơ bộ với Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc cho đợt đánh giá sắp tới, chính phủ Việt Nam nhấn mạnh:
Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa vào và mở rộng các nguyên tắc [của Công ước về Quyền Trẻ em] trong đó có nguyên tắc “không phân biệt đối xử đối với trẻ em” và cấm “
đ
ị
nh ki
ế
n, phân bi
ệ
t đ
ố
i x
ử
đ
ố
i v
ớ
i
trẻ em trên cơ sở cá tính, hoàn cảnh gia đình, giới tính, sắc tộc, quốc tịch, tín ngưỡng và tôn giáo.”
Luật Giáo dục Việt Nam quy định tại điều 10 rằng “học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân” và “mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.” Trong một nghị định ban hành năm 2017, chính phủ Việt Nam quy định các biện pháp phòng chống bạo lực học đường. Trong đó có yêu cầu trường học không được “định kiến giới [hay] phân biệt đối xử” trong lớp học và quy định cụ thể các biện pháp hỗ trợ học sinh có nguy cơ bị bạo lực học đường, bao gồm:
Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường.
Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể.
Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
Năm 2019, Bộ Giáo dục ban hành một chỉ thị cụ thể về phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, văn bản này chưa nêu rõ các nhóm học sinh có nguy cơ dễ bị tổn thương, trong đó có các học sinh LBGT.
Học sinh LGBT bị tước đoạt quyền giáo dục khi bị bắt nạt, cô lập, và các chính sách phân biệt đối xử cản trở các em tham gia lớp học hay đến trường. Quyền giáo dục của các em học sinh LGBT cũng bị hạn chế khi giáo viên và giáo trình không có các thông tin có ý nghĩa tới sự phát triển của các em, hoặc công khai kỳ thị người LGBT.
Để cho quyền giáo dục thực sự có ý nghĩa, các trường học phải bảo đảm rằng giáo trình, cách hành xử của nhân viên nhà trường và nội quy của trường phải không phân biệt đối xử và cung cấp thông tin cho các thanh thiếu niên LGBT đầy đủ về chất và lượng như các học sinh khác, không phải là người LGBT.
Quyền giáo dục bao gồm cả quyền được giáo dục toàn diện về tính dục, là nội dung mà các thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam đang thiếu. Như Đặc ủy Liên hiệp quốc về Quyền Giáo dục đã phân tích: “Quyền giáo dục bao gồm cả quyền giáo dục giới tính, vừa là một nội dung quyền con người vừa là một phương tiện không thể thiếu được để đạt được các quyền con người khác, như quyền về sức khỏe, quyền thông tin, quyền tình dục và quyền sinh sản.”
Một giáo trình mà chỉ nêu và cung cấp cho học sinh các thông tin về tình dục dị tính luyến ái trong vòng hôn nhân sẽ “bình thường hóa, tạo định khuôn và quảng bá các hình ảnh có tính kỳ thị vì dựa trên thông lệ luyến ái dị tính; việc giáo trình phủ nhận sự tồn tại của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, người chuyển đổi giới tính, và song tính, khiến những nhóm người này phải đối diện với các hành xử có tính kỳ thị và nguy hại.”
Để đảm bảo quyền giáo dục được tôn trọng, Ủy ban về Quyền Trẻ em đã yêu cầu rằng nội dung giáo dục giới tính do các trường học cung cấp:
Bạo hành và bắt nạt
Theo công pháp quốc tế về nhân quyền, trẻ em được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dễ phải đối mặt với bạo lực, trong đó bao gồm việc bị bắt nạt, phải được nhà nước quan tâm cụ thể và bảo vệ. Như Ủy ban về Quyền Trẻ em, cơ quan giám sát việc thực hiện Công ước về Quyền Trẻ em của Liên hiệp quốc đã ghi nhận, “[các] nhóm trẻ em có nguy cơ dễ bị bạo hành bao gồm, nhưng không giới hạn trong, các nhóm trẻ… là đồng tính nữ, đồng tính nam, chuyển giới hoặc người chuyển đổi giới tính.” Ủy ban đã nhiều lần xác định các hành vi bắt nạt, sách nhiễu và bạo hành đối với thanh thiếu niên LGBT là xâm hại quyền trẻ em, và nhấn mạnh rằng “[một] trường học để cho hành vi bắt nạt hay các cách hành xử mang tính cô lập và bạo hành xảy ra là một cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu của điều 29 khoản 1,” điều khoản quy định mục đích giáo dục của Công ước.
Ủy ban về Quyền Trẻ em đã xác định các bước mà các chính phủ các quốc gia thành viên cần tiến hành để bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt, sách nhiễu và các hình thức bạo hành khác. Trong đó có việc xử lý các thái độ kỳ thị có thể tạo tiền đề cho việc không khoan dung và bạo hành sinh sôi, thiết lập các cơ chế báo cáo, và đưa ra các hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên và giáo chức biết cách phản ứng khi nhìn thấy hoặc nghe được về các vụ bạo hành. Trong khi thực hiện những bước nói trên, ủy ban đã nhấn mạnh rằng chính các em phải được tham gia “vào quá trình xây dựng chiến lược phòng ngừa nói chung và ở học đường nói riêng, đặc biệt là nhằm loại trừ và phòng ngừa bắt nạt và các hình thức bạo lực học đường khác.”
Chính sách chống bắt nạt và dung hợp LGBT
Các chính sách phòng ngừa bắt nạt bao gồm quy định bảo vệ công khai đối với các học sinh LGBT là điều cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các chính sách phòng ngừa bắt nạt có bao gồm chống bắt nạt người LGBT giúp tăng cường cảm giác an toàn cho học sinh. Ví dụ như, một công trình nghiên cứu ở Hoa Kỳ có phân tích dữ liệu từ hơn 7.000 học sinh cho thấy các thanh thiếu niên LGBT học ở các học khu có chính sách chống bắt nạt bao gồm cả chống bắt nạt người LGBT cảm thấy an toàn hơn so với các học sinh LGBT học ở các học khu không có chính sách chống bắt nạt hay có chính sách chống bắt nạt nhưng không nhắc cụ thể về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Các kinh nghiệm lâu năm ở các nơi khác cũng thể hiện tầm quan trọng của việc nêu đích danh. Ví dụ như, GLSEN, một NGO ở Hoa Kỳ từng tiến hành khảo sát về môi trường học tập cho học sinh LGBT từ năm 1999, đã khuyến cáo mạnh mẽ rằng các quy định chống bắt nạt cần ghi cụ thể các nhóm học sinh dễ bị tổn thương, đặc biệt là các học sinh LGBT.
Trong những năm gần đây, chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới đã và đang thực hiện các thay đổi chính sách để bảo vệ thanh thiếu niên LGBT ở học đường. Năm 2015, có 55 vị Bộ trưởng giáo dục đã ký vào bản Kêu gọi Hành động của UNESCO chống bạo lực bắt nguồn từ chứng ghét sợ người đồng tính và chuyển giới. Bản tuyên bố đã ghi nhận cam kết của các chính phủ này về việc giám sát tình trạng lan tràn của việc bắt nạt ở học đường bắt nguồn từ chứng ghét sợ người đồng tính và chuyển giới, cung cấp cho học sinh thông tin về các định khuôn phân biệt giới tính có hại, tập huấn cho các giáo chức, và thực hiện các bước nhằm đảm bảo an toàn ở học đường cho thanh thiếu niên LGBT. Hai quốc gia đã ký văn bản nói trên trong khi đang xây dựng chính sách dung hợp LGBT là Nhật Bản và Philippines.
Nhật Bản
Phân biệt rõ định nghĩa về “xu hướng tính dục” và “bản dạng giới” và khuyến khích giáo viên không nên lầm lẫn giữa hai khái niệm.
Ghi nhận các định kiến xã hội đối với người LGBT ở Nhật Bản và hậu quả của các định kiến đó có thể gây ra phân biệt đối xử ở nơi làm việc như thế nào. Ngoài ra, sách hướng dẫn ghi rõ: “điều quan trọng là giáo viên phải rũ bỏ các định kiến và có hiểu biết tốt hơn về vấn đề này.”
Philippines
Trong những năm gần đây, các nhà làm luật và quản lý học đường ở Philippines đã nhận thấy rằng nạn bắt nạt học sinh LGBT là một vấn đề nghiêm trọng, và thiết kế các biện pháp can thiệp để giải quyết vấn nạn này. Năm 2012, Bộ Giáo dục (DepEd) có chức năng quản lý các trường tiểu học và trung học, đã áp dụng Chính sách Bảo vệ Trẻ em được thiết kế nhằm giải quyết tình trạng bắt nạt và phân biệt đối xử ở học đường, trong đó bao gồm cả bắt nạt và phân biệt đối xử xuất phát từ nguyên nhân xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Năm 2013, Quốc hội Philippines thông qua Luật Chống Bắt nạt, với các văn bản hướng dẫn áp dụng ghi rõ rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới bị cấm trở thành nguyên nhân cho các hành vi bắt nạt và sách nhiễu. Các văn bản hướng dẫn áp dụng bộ luật này giải thích rằng thuật ngữ “bắt nạt” bao gồm cả “bắt nạt trên cơ sở giới tính,” dùng để “chỉ bất kỳ một hành vi nào có tính nhục mạ hoặc cô lập một người trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới (SOGI) theo cảm nhận hoặc thực tế.”
Campuchia
Đầu năm 2020, học sinh Campuchia từ 13 tuổi trở lên sẽ được học các bài học bao gồm nội dung về xu hướng tính dục và bản dạng giới. Yung Kunthearith, phó giám đốc phòng nghiên cứu sức khỏe trực thuộc bộ giáo dục, cho biết sự thay đổi này là “về sự bình đẳng.” Ông nói: “Chúng tôi muốn trẻ em [Campuchia] nhận thức rõ những vấn đề này, và hiểu rằng không một ai phải chịu bị phân biệt đối xử tại trường học hay bất cứ khi nào trong cuộc đời.”
Các nhóm xã hội dân sự bắt đầu làm việc với Bộ Giáo dục Campuchia để huấn luyện giáo viên về các vấn đề LGBT vào năm 2017.
Các nhà hoạt động vì thanh thiếu niên LGBT ở Việt Nam rất mong muốn được thấy chính phủ mình đưa ra các chính sách và quy định tương tự, nhưng họ cũng nhắc lại một lịch sử dài từng bị gạt ra ngoài lề những khi cố vận động. “Người ta nói với chúng tôi ‘bây giờ chưa được’ hoặc ‘vấn đề này hiện còn quá nhạy cảm,’” một nhà hoạt động ở Hà Nội kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. “Hay tại một vài cuộc họp, ngay cả với các lãnh đạo thanh niên, vấn đề LGBT được dự kiến trong chương trình nhưng rồi lại bị lờ đi.”
Quyền về sức khỏe
Quyền được an toàn không bị bắt nạt
Bắt nạt, cô lập và phân biệt đối xử gây ra các rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, đe dọa quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đối với thanh thiếu niên LGBT. Ủy ban về Quyền Trẻ em đã bày tỏ quan ngại về các hậu quả đối với sức khỏe do bị bắt nạt, trong đó có cả tự tử, và đã kêu gọi chính phủ Việt Nam “có các hành động cần thiết để ngăn ngừa và nghiêm cấm mọi hình thức bạo hành và xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục, trừng phạt về thân xác và các hình thức đối xử hoặc kỷ luật vô nhân, đày đọa hay nhục mạ ở trường, do nhân viên nhà trường cũng như các học sinh gây ra.”
Thông tin sức khỏe
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành một văn bản hướng dẫn giáo viên về cách tham vấn, tư vấn cho học sinh. Văn bản này hướng dẫn giáo viên:
a) Hiểu được tầm quan trọng của việc tư vấn cho học sinh; hiểu được tính chất, nội dung, hình thức, nguyên tắc và quy trình của công tác tư vấn cho học sinh.
b) Áp dụng đúng quy trình và các nguyên tắc chung khi tiến hành tư vấn và hướng dẫn cho học sinh để các em giải quyết được các vấn đề cụ thể; áp dụng nhiều phương pháp và kỹ năng để tìm hiểu và đánh giá các vấn đề tâm lý của học sinh và xây dựng kế hoạch tư vấn để giúp học sinh giải quyết các vấn đề cá nhân.
c) Sẵn sàng lắng nghe và tìm hiểu để có đánh giá khách quan về học sinh và giúp đỡ học sinh khi gặp phải các vướng mắc cần giải quyết.
Một trong những thực hành bắt buộc với giáo viên, được đề cập trong văn bản hướng dẫn nói trên, là “tư vấn về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.” Điều quan trọng là chính quyền Việt Nam cần nhân cơ hội này tác động để việc thực thi văn bản nói trên bao gồm cả các đối tượng là học sinh LGBT.
Đặc sứ của Liên hiệp quốc về quyền giáo dục đã nhận định trong năm 2010 rằng tính dục, sức khỏe và giáo dục là “các quyền có ảnh hưởng qua lại,” và giải thích rằng “chúng ta phải có khả năng chăm sóc sức khỏe của mình, cũng như giải quyết vấn đề tính dục một cách tích cực, có trách nhiệm và tôn trọng, do đó phải ý thức được các nhu cầu và quyền của mình.” Đặc biệt là, đặc sứ có cảnh báo đối với các chương trình giáo dục giới tính chỉ căn cứ hoàn toàn vào các quan hệ luyến ái dị tính, bởi vì “việc chối bỏ sự tồn tại của những người đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, người chuyển đổi giới tính, và song tính, [các giáo trình đó] khiến những nhóm người này phải đối diện với cách hành xử có tính phân biệt đối xử và rủi ro.”
Công ước Quốc tế về Các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa đã ghi nhận “quyền của tất cả mọi người được hưởng tiêu chuẩn cao nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần.” Công ước về Quyền Trẻ em nhấn mạnh thêm rằng trẻ em được hưởng quyền đó, và nêu rõ rằng, để đạt mục tiêu đó, chính phủ các quốc gia sẽ “đảm bảo rằng mọi thành phần xã hội, nhất là cha mẹ và trẻ em, được cung cấp thông tin [và] có thể tiếp cận giáo dục,” và sẽ “xây dựng chương trình chăm sóc y tế phòng ngừa, hướng dẫn cho các bậc cha mẹ cũng như cung cấp các dịch vụ và giáo dục về kế hoạch hóa gia đình.”
Ủy ban về Quyền Trẻ em đã tuyên bố rằng “để thực thi đầy đủ được quyền về sức khỏe của mọi trẻ em, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đảm bảo rằng sức khỏe của trẻ em không bị ảnh hưởng do hậu quả của phân biệt đối xử, là một yếu tố đáng kể góp phần vào tình trạng dễ bị tổn thương,” trong đó bao gồm cả phân biệt đối xử có nguyên do từ “xu hướng tính dục, bản dạng giới và tình trạng sức khỏe.”
Các thiếu sót đáng kể trong chương trình giáo dục giới tính ở các trường học Việt Nam đã ảnh hưởng đến quyền về sức khỏe của mọi học sinh, đặc biệt là các học sinh LGBT. Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc là một chương trình phát triển chú trọng đến việc bảo đảm “không ai bị bỏ lại,” trong đó có một cam kết đảm bảo giáo dục có chất lượng và bao dung cho tất cả mọi người. Với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, chính phủ Việt Nam đã ký các cam kết phát triển bền vững toàn cầu nói trên, bao gồm cả cam kết bảo đảm cho tất cả mọi người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế về tình dục và sinh sản. Trong đợt đánh giá SDG năm 2018, chính phủ Việt Nam ghi nhận rằng, dù đã có đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, “Hệ thống giáo dục quốc gia vẫn chưa đồng bộ” và “tài liệu và cơ sở kỹ thuật của các trường vừa thiếu vừa lạc hậu.”
Chấm dứt quan niệm coi đồng tính luyến ái là bệnh lý
Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), là tổ chức đưa ra các tiêu chuẩn toàn cầu về chẩn đoán bệnh tâm thần trong Sổ tay Thống kê và Chẩn đoán (DSM) do hiệp hội này xuất bản, đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi danh sách bệnh lý trong Sổ tay vào năm 1973. Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ đồng tính luyến ái khỏi Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD) vào năm 1990.
Nhân đà cải cách DSM và ICD, các cơ quan sức khỏe tâm thần quốc tế và ngày càng nhiều các hiệp hội chuyên khoa tâm thần quốc gia và các bộ y tế trên toàn cầu đã xây dựng các chính sách chống phân biệt đối xử trong điều trị cho người LGBT. Trong đó có thể kể các tổ chức sức khỏe tâm thần quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ, Nam Phi, Braxin, Philippines và Argentina. Đơn cử, Hiệp hội Ngành Tâm thần Thế giới (WPA) tuyên bố năm 2016 rằng “y học hiện đại đã loại bỏ việc coi xu hướng và hành vi tình dục đồng giới là một loại bệnh từ nhiều thập niên trước.”
Ấn Độ
Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, trong một bản tường trình gửi Tòa án Tối cao, ghi rõ rằng hiệp hội “quan ngại nghiêm trọng về việc tình dục đồng giới bị coi là một triệu chứng rối loạn” và khẳng định rằng “các bác sĩ tâm thần cần phải làm đúng công việc của mình – điều trị các nỗi đau cảm xúc cho những người cần được điều trị. Trong đó có việc hỗ trợ các nhóm người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (LGBT) giao tiếp với gia đình, xây dựng các mạng lưới hỗ trợ, giúp phát hiện và xử lý các hiện tượng trầm cảm và lo âu như tất cả các bệnh nhân khác cần được trợ giúp.”
Thái Lan
Năm 2002, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ra tuyên bố rằng “những người yêu người cùng giới không thể bị coi là bất bình thường về tâm lý hay mắc bất kỳ một loại bệnh nào.” Năm 2009, Trường Đại học Tâm thần học Hoàng Gia Thái Lan tuyên bố: “[Luyến ái đồng tính]…xảy ra ở cả hai giới, có nghĩa là đàn ông thích đàn ông (đồng tính nam) và phụ nữ thích phụ nữ (đồng tính nữ), và có những người thích cả hai giới (song tính); đó không phải là một loại bệnh tâm thần.”
Hồng Kông
Hiệp hội Tâm lý học Hồng Kông tuyên bố rằng “Các nhà tâm lý học hiểu rằng luyến ái đồng tính và song tính không phải là bệnh tâm thần.”
Philippines
Hiệp hội Tâm lý học Philippines (PAP) tuyên bố: “nhiều thập niên nghiên cứu khoa học đã dẫn các tổ chức chuyên ngành sức khỏe tâm thần trên thế giới đến kết luận rằng các xu hướng tính dục đồng tính nữ, đồng tính nam và song tính là các biến thể bình thường của tính dục ở con người” và “APA đồng hành với các sáng kiến toàn cầu nhằm xóa bỏ định kiến về bệnh tâm thần đã từ lâu bị gán cho tính dục đa dạng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người LGBT.”
Bình đẳng giới
Như bản phúc trình này ghi nhận, các thanh thiếu niên LGBT phải đối mặt với tình trạng vi phạm nhiều quyền con người do các định khuôn về giới. Chính phủ Việt Nam có nghĩa vụ phải triển khai các chính sách nhằm xóa bỏ định khuôn về giới trong xã hội.
Luật Bình đẳng Giới năm 2006 của Việt Nam nghiêm cấm “phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.” Trong luật có đề cập đến định khuôn về giới, với nội dung:
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ.
Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền định nghĩa các định khuôn về giới như sau:
[là] quan niệm khái quát hay định kiến về đặc điểm, tính cách hay vai trò thuộc về, hoặc được coi là thuộc về, hay được coi là phải được thực hành bởi, phụ nữ hay nam giới. Định khuôn về giới sẽ có hại khi nó hạn chế khả năng của phụ nữ hay đàn ông không phát triển được năng lực cá nhân, theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn và đưa ra các lựa chọn về cuộc sống của mình.
Điều 5 của Công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử Với Phụ nữ (CEDAW) quy định rằng:
Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp: a) Để sửa đổi các định dạng xã hội và văn hóa về đặc tính nam giới và nữ giới, hướng tới mục tiêu xóa bỏ định kiến và tập quán và các thói quen khác dựa trên quan niệm cho rằng giới này cao hơn, giới kia kém hơn hay dựa trên định khuôn về vai trò của nam giới và phụ nữ.
Trong đợt đánh giá năm 2015 về Việt Nam, Ủy ban CEDAW ghi nhận với quan ngại, “rằng các định khuôn và thiên vị mang tính chất phân biệt đối xử về giới vẫn tràn ngập các tài liệu giảng dạy” và khuyến nghị chính phủ Việt Nam “Áp dụng các biện pháp chiến lược tổng thể để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất bình đẳng giới và cải tạo các định khuôn mang tính phân biệt về giới đã ăn sâu từ lâu nay.”
Trong một văn bản chính sách năm 2016, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) kêu gọi Việt Nam xóa bỏ “mọi quan niệm định khuôn về vai trò của nam và nữ ở mọi cấp và dưới mọi hình thức giáo dục bằng cách…sửa đổi sách giáo khoa và các chương trình học tập và điều chỉnh các phương pháp giảng dạy.”
Trong bản Nhận xét Chung ban hành liên thông giữa Ủy ban CEDAW và Ủy ban về Quyền Trẻ em năm 2014, có giải thích rằng:
Như được ghi nhận trong bản phúc trình này, định khuôn về giới và các sự kỳ vọng về cách ứng xử “bình thường” ở con trai và con gái có thể dẫn tới bắt nạt và cô lập ở học đường, và góp phần gián tiếp duy trì các tài liệu giảng dạy mang tính phân biệt đối xử về giới. Dù xu hướng tính dục và bản dạng giới không được nêu rõ trong Luật Bình đẳng Giới Việt Nam, các cơ quan công ước Liên hiệp quốc đã minh xác rằng không phân biệt đối xử về giới phải được hiểu là bao gồm cả về xu hướng tính dục. Hơn nữa, chính phủ các quốc gia khác đã cho thấy quy định pháp luật về bình đẳng giới có thể tạo cơ hội để xây dựng các chính sách dung hợp người LGBT. Ví dụ như, Điều luật Bình đẳng Giới của Thái Lan năm 2015 là bộ luật cấp quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ghi cụ thể việc bảo vệ chống phân biệt đối xử trên cơ sở biểu hiện giới tính. Luật này quy định rõ cấm mọi cách thức phân biệt đối xử nếu một người “có ngoại hình khác với giới tính khi sinh” – một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người chuyển giới.
Luật Bình đẳng Giới của Việt Nam đã đặt nền móng cho việc xóa bỏ định khuôn về giới và bao gồm cả việc bảo vệ các xu hướng tính dục và bản dạng giới trong quá trình đó. Chính phủ Việt Nam cần có hành động đồng bộ theo hướng đó, bằng cách vừa áp dụng các chính sách hướng dẫn thực thi pháp luật hiện có để bảo vệ chống lại sự phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới, đồng thời sửa đổi pháp luật hiện hành để có quy định cụ thể về xu hướng tính dục và bản dạng giới.
IV. Lời cảm ơn
Một nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình Quyền của Người Đồng tính Nữ, Đồng tính Nam, Song tính và Chuyển giới (LGBT) của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, MJ Movahedi, điều phối viên chương trình Quyền của Người LGBT, và một nhà tư vấn đã tiến hành nghiên cứu để xây dựng phúc trình này.
Phúc trình được thẩm định bởi Graeme Reid, giám đốc chương trình Quyền của Người LGBT của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; một nghiên cứu viên Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền; Michael Bochenek, cố vấn cao cấp về Quyền Trẻ em; và Joseph Saunders, Phó giám đốc Chương trình. Anjelica Jarrett, điều phối viên chương trình Quyền của Người LGBT, đã tham gia biên tập và phát hành. Dự án còn nhận được sự trợ giúp sản xuất từ Remy Arthur, nhân viên phụ trách kỹ thuật số và Fitzroy Hepkins, quản trị hành chính cao cấp.
Rào Cản Pháp Luật Thương Mại Đối Với Việt Nam Khi Tham Gia Các Fta Thế Hệ Mới
Sau gần 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết 12 FTA gồm: 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN; 5 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập. Hiện chúng ta đang đàm phán 3 FTA. Trong số đó có nhiều FTA thế hệ mới, tiêu biểu phải kể tới FTA với Nhật Bản; Liên minh Châu Âu và CPTPP.
Theo chuyên gia kinh tế, 15 năm thi hành Luật Thương mại cho thấy những rào cản cho sự tham gia các FTA thế hệ mới xuất phát từ 03 nhóm vấn đề, cụ thể gồm: Thương nhân và hiện diện của thương nhân; Hoạt động thương mại hàng hóa và Các hàng rào kỹ thuật.
Riêng về khái niệm thương nhân được đề cập tại Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 đã không bao quát được nhiều hoạt động ở khu vực “phi chính thức” cũng nhằm mục đích sinh lợi nhưng hoạt động thường xuyên. Yêu cầu thương nhân phải “có đăng ký” kinh doanh cũng không hợp lý bởi quy định này cũng đang bỏ sót các chủ thể hoạt động thương mại nhưng không đăng ký.
Để làm rõ thêm khái niệm về thương nhân Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP giải thích khái niệm cá nhân hoạt động thương mại như “Buôn bán rong (buôn bán dạo)“, “Buôn bán vặt“; ” Bán quà vặt“. Trong so sánh với khái niệm thương nhân của các nước khác như Pháp, Mỹ thì khái niệm về thương nhân trong Luật thương mại của Việt Nam đang nói về yếu tố hình thức nhiều hơn nội dung hoạt động và tôn chỉ của thương nhân.
Bên cạnh đó, quy định về sự hiện diện của thương nhân tại Việt Nam tại Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không còn phù hợp. Quy định này cho phép thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc dẫn chiếu quyền thành lập hiện diện thương mại sang điều ước quốc tế là không khả thi bởi theo Luật điều ước quốc tế, cam kết quốc tế lại không có giá trị áp dụng trực tiếp.
– Quy định về thời điểm chuyển rủi ro (từ Điều 57 đến Điều 61 Luật thương mại): Quy định này cho phép xác định thời điểm rủi ro được chuyển sang người mua trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên dưới góc độ thực tiễn thì quy định này chưa thực sự phù hợp. Vì rủi ro có thể phát sinh kể từ thời điểm hàng hóa không còn nằm trong tầm kiểm soát của người bán, tức là thời điểm hàng hóa được người bán giao cho người vận chuyển và rất có thể hàng hóa bị hư hỏng trước thời điểm ký kết hợp đồng. Về vấn đề này, pháp luật thương mại Việt Nam nên tham khảo Công ước Viên năm 1980 trong đó quy định thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm hàng hóa được giao cho người chuyên chở là người đã phát hành chứng từ xác nhận hợp đồng vận chuyển.
– Quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa (Điều 62 Luật Thương mại): Quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao, có thể hiểu rằng khi hàng xuống cảng thì đã mặc nhiên coi là chuyển quyền sở hữu cho người mua hàng, đây là một điều cực kỳ bất lợi cho bên mua và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế quy định chuyển quyền sở hữu cho người mua kể từ khi người này nhận được các chứng từ định đoạt về hàng hóa.
– Quy định về chế tài thương mại (Điều 292 Luật Thương mại): buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng là các chế tài cơ bản được ghi nhận. Từ thực tiễn thực hiện hợp đồng thương mại, việc áp dụng các quy định về chế tài thương mại đã nảy sinh những bất cập, như đối với khái niệm chế tài “Buộc thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. C hế tài phạt vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 8% và mức phạt theo thỏa thuận tại Bộ luật Dân sự năm 2015 cho các quan hệ dân sự đang tạo rủi ro cho các bên khi lựa chọn mức phạt vi phạm.
Ngoài ra, Việt Nam ký kết hiệp định CPTPP (hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019) và kết thúc đàm phán EVFTA từ năm 2016 đã gỡ bỏ rào cản thuế quan giữa nước ta với các quốc gia thành viên EU và 10 nước cộng đồng kinh tế CPTPP, trong đó có những thị trường nhượng quyền trọng điểm là Canada, Australia, Nhật Bản.
Tuy nhiên, Luật Thương mại 2005 lại chưa theo kịp với những thay đổi này, khi hiện nay hai khái niệm là “nhượng quyền thương mại” và “quyền thương mại” chưa được quy định đầy đủ và trong một vài trường hợp được quy định không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Vai Trò Của Giáo Dục Đối Với Xã Hội Việt Nam Trong Bối Cảnh Hiện Nay
Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Nó ứng dụng phương pháp giáo dục, một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học để đưa đến những rèn luyện….
1. Khái niệm giáo dục là gì?
Giáo dục là quá trình được tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi hoặc biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của người dạy và người học theo hướng tích cực. Nghĩa là góp phần hoàn thiện nhân cách người học bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, góp phần đáp ứng các nhu cầu tồn tại và phát triển của con người trong xã hội đương đại.
Giáo dục bao gồm việc dạy và học, và đôi khi nó cũng mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhưng ít hữu hình hơn như là quá trình truyền thụ, phổ biến tri thức, truyền thụ sự suy luận đúng đắn, truyền thụ sự hiểu biết. Giáo dục là nền tảng cho việc truyền thụ, phổ biến văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Giáo dục là phương tiện để đánh thức và nhận ra khả năng, năng lực tiềm ẩn của chính mỗi cá nhân, đánh thức trí tuệ của mỗi người. Nó ứng dụng phương pháp giáo dục, một phương pháp nghiên cứu mối quan hệ giữa dạy và học để đưa đến những rèn luyện về tinh thần, và làm chủ được các mặt như: ngôn ngữ, tâm lý, tình cảm, tâm thần, cách ứng xử trong xã hội.
Dạy học là một hình thức giáo dục đặc biệt quan trọng và cần thiết cho sự phát triển trí tuệ, hoàn thiện nhân cách học sinh.
Quá trình dạy học nói riêng và quá trình giáo dục nói chung luôn gồm các thành tố có liên hệ mang tính hệ thống với nhau: mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương tiện giáo dục, hình thức tổ chức và đánh giá.
Sự giáo dục của mỗi cá người bắt đầu từ khi sinh ra và tiếp tục trong suốt cuộc đời. (Một vài người tin rằng, sự giáo dục thậm chí còn bắt đầu trước khi sinh ra, theo đó một số cha mẹ mở nhạc, hoặc đọc cho những đứa trẻ trong bụng mẹ với hy vọng nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa trẻ sau này).
Với một số người quá trình đấu tranh giành giật sự sống, giành giật sự thắng lợi trong cuộc sống cung cấp kiến thức nhiều hơn cả sự truyền thụ kiến thức ở các trường học. Các cá nhân trong gia đình có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giáo dục, thường có ảnh hưởng nhiều hơn là họ nhận ra, mặc dù việc dạy dỗ trong gia đình có thể không có tính chính thức, chỉ có chức năng giáo dục rất thông thường.
Vậy vai trò của giáo dục đối với xã hội việt nam trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
2. Vai trò của giáo dục đối với xã hội việt nam trong bối cảnh hiện nay
Ngày nay, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, tỷ lệ lao động cơ bắp ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng, lợi thế so sánh dựa trên số lượng lao động và giá nhân công rẻ cũng ngày một giảm và đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định nhất đối với phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, Đảng ta cũng nhất quán quan điểm khẳng định: “Nguồn lực con người là quý báu, có vai trò quyết định, đặc biệt đối với nước ta, khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất còn hạn hẹp”.
Tuy nhiên, để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải cần đến một hệ thống giải pháp đồng bộ về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện môi trường sống, tạo việc làm, tổ chức khai thác lực lượng lao động, phát triển văn hóa tạo ra động lực kích thích tính tích cực ở con người.
Không chỉ trong điều kiện hiện nay, mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin lúc đương thời đã rất coi trọng vai trò của giáo dục,luôn đặt giáo dục, đào tạo ở vị trí trung tâm trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác”, V.I. Lênin viết: “Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào cuộc đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền… thì trọng tâm công tác của chúng ta hiện nay quả thật là xoáy vào hoạt động giáo dục”.
Người cũng giải thích rõ tại sao giáo dục, đào tạo lại có tầm quan trọng đặc biệt như vậy. Đó là vì cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp và để có được cơ sở đó, không có cách nào khác là nước Nga phải tiến hành điện khí hóa toàn quốc.
Nhưng công việc điện khí hóa toàn quốc lại “không thể do những người mù chữ mà thực hiện được, mà chỉ biết chữ thôi thì cũng không đủ. Công việc tiến hành điện khí hóa toàn quốc chỉ có thể thực hiện trên cơ sở một nền học vấn hiện đại, nền học vấn mà thiếu nó thì chủ nghĩa cộng sản vẫn chỉ là một nguyện vọng mà thôi”.
Và để có được nền học vấn đó thì cũng chỉ có một cách duy nhất là tập trung vào phát triển giáo dục, đào tạo. Từ những chỉ dẫn của các nhà kinh điển và yêu cầu của thực tiễn, Đảng ta đã coi giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu. Bởi lẽ, “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”.
Đồng thời, Đảng xác định ba mục tiêu mà sự nghiệp giáo dục, đào tạo phải đạt tới là nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, trong đó phát triển nhân lực là mục tiêu có ý nghĩa quan trọng và được ưu tiên hơn.
Nói đến nguồn nhân lực là nói đến tổng thể các yếu tố thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc, kinh nghiệm sống, đạo đức, lý tưởng, chất lượng văn hóa, năng lực chuyên môn, tính năng động trong công việc mà bản thân con người và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Phát triển nguồn nhân lực có thể hiểu là tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm tạo ra sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng để nguồn lực này đáp ứng ngày càng tốt hơn sự phát triển bền vững của đất nước.
Từ nội dung của phát triển nguồn nhân lực như vậy, chúng ta có thể thấy vai trò của giáo dục, đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực thực chất là làm gia tăng về chất lượng của nguồn nhân lực và đảm bảo cơ cấu về số lượng lao động một cách hợp lý trong từng ngành, lĩnh vực.
Những vai trò trên, giáo dục cần phải được coi trọng và đầu tư hơn nữa, vì mục tiên phát triển bền vững, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Nguồn:Tri Thức Cộng Ðồng
Khái Niệm Rào Cản Trong Giao Tiếp
Khái Niệm Rào Cản Trong Giao Tiếp, Khái Niệm Giao Tiếp, 5 Khái Niệm Tiếp Thị Cốt Lõi, 5 Khái Niệm Quản Trị Tiếp Thị, Bài Tiểu Luận Về Kỹ Năng Giao Tiếp Và Các Vấn Đề Đặt Ra Trong Giao Tiếp Công Vụ, Bài Tiểu Luận Kỹ Năng Giao Tiếp Và Các Vấn Đề Đặt Ra Trong Giao Tiếp, Khai Niêm Quan Ly Cam Xuc Cua Nguoi Giao Vien Mam Non Trong Hoat Dong Nghe Nghiep, Khái Niệm Quản Lí Cảm Xúc Của Người Giáo Viên Mâmno Trong Hoạt Động Nghề Nghiệp, Thực Trạng Giao Tiếp Đối Với Học Sinh Dân Tộc Trong Các Cơ Sở Giáo Dục Nghề Nghiệp Trong, Bài 2 Khái Niệm Về Đất Trồng Và Thành Phần Đất Trồng, Giáo Trình Giao Tiếp Trong Kinh Doanh Hà Nam Khánh Giao, Bài 2 Khái Niệm Về Đất Trồng, Khái Niệm ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây, Khái Niệm 5s Và Tầm Quan Trọng Của 5s, Từ Khái Niệm Trong Tiếng Anh, Khái Niệm 7p Trong Marketing Mix, Từ Khái Niệm Trong Tiếng Anh Nghĩa Là Gì, Giao Trinh Giao Tiep Trong Kinh Doanh, Khái Niệm Xe Quá Tải Trọng Của Đường Bộ Được Hiểu Như Thế Nào Là Đúng, Một Số Nguyên Tắc Trong Giao Tiếp, Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Giao Tiếp, Kỹ Năng ôm Hôn Trong Giao Tiếp, Bai Luan Ve Quy Che Giao Tiep Trong Nv, Ky Nang Ung Xu Trong Giao Tiep, Đạo Đức Của Giáo Viên Trong Giao Tiếp, ứng Xử Với Trẻ Mầm Non, Từ Điển Giáo Dục Học Khái Niệm Đội Ngũ Giáo Viên, Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Các Nghi Thức Trong Giao Tiếp, Từ Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Tiếng Anh, Nguyên Tắc Rõ Ràng Trong Giao Tiếp, Bài Tập Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, 6 Nguyên Tắc Then Chốt Trong Giao Tiếp, Giao Tiếp ứng Sử Trong Bệnh Viện, Nguyên Tắc 1 Chạm Trong Giao Tiếp Là Gì, Tồn Tại Về Vấn Đề Giao Tiếp ứng Sử Trong Bệnh Viện, Tieu Luận Về Giao Tiếp Trong Y Tế, Khái Niệm Giáo Dục, Khái Niệm Tôn Giáo, Khái Niệm Nào Của Văn Phạm Được Sử Dụng Trong Chương Trình Dịch, Kỹ Năng Lắng Nghe Trong Giao Tiếp, Đặc Điểm Trong Giao Tiếp Của Người Việt Nam, Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Tài Liệu ôn Tập Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Đề Cương Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Đặc Trưng Trong Văn Hoá Giao Tiếp Của Người Việt, Tài Liệu ôn Tập Môn Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Công Việc, Nguyên Tắc 15 Giây Vàng Trong Giao Tiếp, Quy Chế Hướng Dẫn Giao Tiếp Trong Bệnh Viện, Đề Thi Môn Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Khái Niệm Quản Lý Giáo Dục, Khái Niệm Về Đâọ Đức Giáo Viên Mầm Non, Khái Niệm Giáo Dục Thể Chất, Khái Niệm Tai Nạn Giao Thông, Từ Điển Giáo Dục Họ Khái Niệm Đội Ngũ Giáo Iên, Bài Tham Luận Xử Lý Tình Huống Trong Giao Tiếp Và ứng Sử, Tham Luận Giao Tiếp ứng Xử Trong Bệnh Viện, Tiểu Luận Về Giao Tiếp ứng Xử Trong Bệnh Viện, Tiểu Luận Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Tài Liệu Hướng Dẫn Giao Tiếp Trong Bệnh Viện, Bài Tham Luận Về Giao Tiếp ứng Xử Trong Bệnh Viện, Khái Niệm Chương Trình Giáo Dục, Khái Niệm An Toàn Giao Thông, Khái Niệm Về Đạo Đức Nghề Giáo Viên Mầm Non, Trình Bày Rõ Khái Niệm Giao Thông Là Gì, Trình Bày Khái Niệm Giao Thông Là Gì, Khái Niệm 3 Mũi Giáp Công Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước Dùng Để C, Khái Niệm 3 Mũi Giáp Công Trong Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước Dùng Để Chỉ, Tiểu Luận Kĩ Năng Giao Tiếp Trong Doanh Nghiệp, Ngôn Ngữ Là Phương Tiện Giao Tiếp Quan Trọng Nhất, Khái Niệm Đạo Đức Nghề Nghiệp Của Giáo Viên Mầm Non, Trình Bày Khái Niệm Về An Toàn Giao Thông, Tiêu Chí Giao Tiếp Thể Hiện Văn Hóa ứng Xử Trong Cuộc Sống Hàng Ngày, Khái Niệm Về Văn Hóa Giao Thông Được Hiểu Như Thế Nào Là Đúng?, Giáo Trình Giao Tiếp Trong Kinh Doanh Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, Hãy Chứng Minh Ngôn Ngữ Là Phương Tiện Giao Tiếp Quan Trọng Nhất, Khái Niệm Phong Cách Làm Việc Khoa Học Của Giáo Viên Mầm Non, Khai Niem Ve Đao Đuc Nghe Nghiep Cua Nguoi Giao Vien Mamnon, Khai Niem Cau Truc Dac Diem Va Yeu Cau Ve Phong Cach Cua Nguoi Giao Vien Mam Non, Khái Niệm “phương Tiện Giao Thông Thô Sơ Đường Bộ” Được Hiểu Thế Nào Là Đúng?, Khái Niệm Rèn Luyện Phong Cách Làm Việc Khoa Học Của Người Giáo Viên Mầm Non, Quan Niệm ăn Chay Trong Phật Giáo, Khái Niệm Cấu Trúc Đặc Điểm Và Yêu Cầu Về Phong Cách Làm Việc Khoa Học Của Người Giáo Viên Mầm Non, Khái Niệm “phương Tiện Giao Thông Cơ Giới Đường Bộ” Được Hiểu Thế Nào Là Đúng?, Khái Niệm Chương Trình Giáo Dình Giáo Dục ,phát Triển Chương Trình Giáo Dục Của Cơ Sở Mầm Non, Những Giải Pháp Nâng Cao Kỹ Năng Giao Tiếp Tiếng Trung Trong Bán Hàng, Khái Niệm Chương Trình Giáo Dục, Phát Triển Chương Trình Giáo Dục Của Cơ Sở Gdmn., Khái Niệm “dừng Xe” Được Hiểu Như Thế Nào Là Đúng Quy Tắc Giao Thông?, Cách Tiếp Cận Theo Nội Trong Trong Quản Lí Nhà Nước, Khái Niệm: Đạo Đức; Đạo Đức Nghề Nghiệp; Đạo Đức Nghề Nghiệp Của Người Giáo Viên Mầm Non (gvmn)., Quan Niệm Của Hồ Chí Minh Trong Xây Dựng Nhà Nước Trong Sạch, Mẫu Bản Kê Khai Về Người Trực Tiếp Nuôi Dưỡng, Bản Kê Khai Về Người Phải Trực Tiếp Nuôi Dưỡng, Bài 3 Thủ Tục Trong Logo (tiếp), Modun 26 Gnmn Kĩ Năng Giao Tiếp ứng Sử Của Giáo Viên Mầm Non Với Trẻ, Bài 4 Thủ Tục Trong Logo Tiếp Theo, Giáo Trình Giao Tiếp Kinh Doanh Pdf, Giáo Trình Tiếng Anh Giao Tiếp Cho Người Đi Làm, Giáo Trình Kỹ Năng Giao Tiếp Văn Phòng, Modun 26 Kĩ Năng Giao Tiếp ứng Sử Của Giáo Viên Mầm Non,
Khái Niệm Rào Cản Trong Giao Tiếp, Khái Niệm Giao Tiếp, 5 Khái Niệm Tiếp Thị Cốt Lõi, 5 Khái Niệm Quản Trị Tiếp Thị, Bài Tiểu Luận Về Kỹ Năng Giao Tiếp Và Các Vấn Đề Đặt Ra Trong Giao Tiếp Công Vụ, Bài Tiểu Luận Kỹ Năng Giao Tiếp Và Các Vấn Đề Đặt Ra Trong Giao Tiếp, Khai Niêm Quan Ly Cam Xuc Cua Nguoi Giao Vien Mam Non Trong Hoat Dong Nghe Nghiep, Khái Niệm Quản Lí Cảm Xúc Của Người Giáo Viên Mâmno Trong Hoạt Động Nghề Nghiệp, Thực Trạng Giao Tiếp Đối Với Học Sinh Dân Tộc Trong Các Cơ Sở Giáo Dục Nghề Nghiệp Trong, Bài 2 Khái Niệm Về Đất Trồng Và Thành Phần Đất Trồng, Giáo Trình Giao Tiếp Trong Kinh Doanh Hà Nam Khánh Giao, Bài 2 Khái Niệm Về Đất Trồng, Khái Niệm ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây, Khái Niệm 5s Và Tầm Quan Trọng Của 5s, Từ Khái Niệm Trong Tiếng Anh, Khái Niệm 7p Trong Marketing Mix, Từ Khái Niệm Trong Tiếng Anh Nghĩa Là Gì, Giao Trinh Giao Tiep Trong Kinh Doanh, Khái Niệm Xe Quá Tải Trọng Của Đường Bộ Được Hiểu Như Thế Nào Là Đúng, Một Số Nguyên Tắc Trong Giao Tiếp, Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Giao Tiếp, Kỹ Năng ôm Hôn Trong Giao Tiếp, Bai Luan Ve Quy Che Giao Tiep Trong Nv, Ky Nang Ung Xu Trong Giao Tiep, Đạo Đức Của Giáo Viên Trong Giao Tiếp, ứng Xử Với Trẻ Mầm Non, Từ Điển Giáo Dục Học Khái Niệm Đội Ngũ Giáo Viên, Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Các Nghi Thức Trong Giao Tiếp, Từ Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Tiếng Anh, Nguyên Tắc Rõ Ràng Trong Giao Tiếp, Bài Tập Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, 6 Nguyên Tắc Then Chốt Trong Giao Tiếp, Giao Tiếp ứng Sử Trong Bệnh Viện, Nguyên Tắc 1 Chạm Trong Giao Tiếp Là Gì, Tồn Tại Về Vấn Đề Giao Tiếp ứng Sử Trong Bệnh Viện, Tieu Luận Về Giao Tiếp Trong Y Tế, Khái Niệm Giáo Dục, Khái Niệm Tôn Giáo, Khái Niệm Nào Của Văn Phạm Được Sử Dụng Trong Chương Trình Dịch, Kỹ Năng Lắng Nghe Trong Giao Tiếp, Đặc Điểm Trong Giao Tiếp Của Người Việt Nam, Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Tài Liệu ôn Tập Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Đề Cương Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Đặc Trưng Trong Văn Hoá Giao Tiếp Của Người Việt, Tài Liệu ôn Tập Môn Giao Tiếp Trong Kinh Doanh, Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Công Việc, Nguyên Tắc 15 Giây Vàng Trong Giao Tiếp, Quy Chế Hướng Dẫn Giao Tiếp Trong Bệnh Viện, Đề Thi Môn Kỹ Năng Giao Tiếp Trong Kinh Doanh,
Cập nhật thông tin chi tiết về Những Rào Cản Đối Với Quyền Giáo Dục Của Thanh Thiếu Niên Lgbt Ở Việt Nam trên website 2atlantic.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!